Ý nghĩa của tên “thánh đường Hagia Sophia”
Mang cái tên Hagia Sophia có ý nghĩa là “Trí tuệ Thánh thiêng” trong tiếng Hy Lạp, thánh đường Hagia Sophia là công trình biểu tượng của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ, chứa đựng vô vàn những giá trị văn hóa kỳ bí và linh thiêng.
Lịch sử thánh đường Hagia Sophia
Istanbul (cố đô Thổ Nhĩ Kỳ) ngày nay từng là mảnh đất linh thiêng của 4 đế quốc hùng mạnh trong lịch sử châu Âu. Người ta quen thuộc gọi thành phố này với cái tên Constantinopolis, tức thành phố của Constantine Đại Đế. 1 trong những cột mốc quan trọng trong lịch sử Châu Âu là năm 330, Constantine Đại Đế dời đô từ La Mã về vùng đất này, thiết lập Đế quốc Đông La Mã (Đế quốc Byzantine) hùng mạnh tại đây.
Năm 1453, người Ottoman đánh chiếm Constantinopolis, thiết lập một đế chế mới mang tên Đế quốc Ottoman, thiết lập một nền văn hóa Hồi giáo thay thế cho Ki Tô Giáo là quốc giáo trước đây.
Vào thế kỉ XVI – XVII, đế chế Ottoman vô cùng hùng mạnh có uy quyền trên toàn thế giới và thống lĩnh châu Âu. Hoàng cung đế chế Ottoman là một thế giới thu nhỏ với hàng trăm căn nhà, nhà thờ Hồi giáo, khu an dưỡng, nơi giải trí và hậu cung. Nơi phô bày các vật phẩm quý giá, thể hiện sự giàu có xa hoa của các quốc vương Hồi giáo chính là Hậu cung. Nơi này cấm tuyệt đối đàn ông ra vào ngay cả hoàng tử cũng chỉ được ở tại đây cho tới năm 16 tuổi.
Có rất nhiều di tích lịch sử quan trọng ở Istanbul, nhưng Hagia Sophia được xem là biểu tượng của thành phố và cũng là hiện thân của 2 đế quốc hùng mạnh nhất trong lịch sử Châu Âu là Byzantine và Ottoman. Ban đầu nơi đây được hoàng đế Byzantine, Justinian cho xây với tư cách 1 giáo đường Chính Thống Giáo vào năm 537. Đến thời Ottoman năm 1453 lại được quân chinh phạt của Mehmet đại đế biến đổi thành Thánh đường Hồi giáo. Và được tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, Ataturk tuyên bố là một bảo tàng vào năm 1935.
Kiến trúc thánh đường Hagia Sophia
Vẻ đẹp của Hagia Sophia là cái đẹp vượt ra khỏi tất cả các chuẩn mực, từ kiến trúc, thời gian đến cả không gian. Bằng chứng là trong suốt gần 15 thế kỷ, trải qua nhiều thời kỳ chuyển giao lịch sử, tôn giáo và những trận thiên tai nặng nề của vùng đất, Thánh đường vẫn đứng vững, rộng lớn và kỳ vĩ giữa lòng thành phố Istanbul.
Công trình này còn giữ danh hiệu Thánh đường lớn nhất thế giới trong suốt gần 1000 năm kể từ khi ra đời. Từng là công trình tôn giáo quan trọng của ba tôn giáo khác nhau: Đa thần giáo, Thiên chúa giáo và Hồi giáo, người ta có thể tìm thấy ở nơi đây những đặc trưng đa dạng trong thiết kế, làm nên sự đặc biệt cho kiến trúc nơi này.
Ấn tượng nhất là mái vòm chính điện rộng lớn theo phong cách Byzantine, mở rộng sang hai bên bằng hai vòm khuyết nhỏ hơn, và tiếp tục được mở rộng bằng ba vòm nhỏ hơn nữa. Toàn bộ kiến trúc được chống đỡ bằng các cột cẩm thạch chồng lên nhau, hướng mắt người lên đỉnh vòm, tạo ra cảm giác vô hạn về không gian.
Người xưa còn khéo léo bố trí của cửa sổ khiến toàn bộ gian điện đều được chiếu một thứ ánh sáng mờ ảo và tạo cảm giác mái vòm đang lơ lửng giữa không trung. Không chỉ thế, Hagia Sophia còn mang nhiều đặc trưng phong cách trang trí Mosaic, với các bức tranh khảm ghép tinh xảo tạo nên bằng các họa tiết hình học phức tạp.
Những kiến trúc Hồi giáo nổi bật cũng được tìm thấy nơi đây. Tiêu biểu nhất là bốn cột minaret đặc trưng của đạo Hồi xây dựng quanh Giáo đường cùng đài phun nước và những nội thất bằng cẩm thạch. Hagia Sophia đã trở thành nguồn cảm hứng kiến trúc cho nhà thờ Hồi giáo Sultan Ahmed, cũng như nhiều công trình tôn giáo nổi tiếng khác trên thế giới.
Thánh đường Hagia Sophia có gì ?
Ngay từ khi xây dựng, Thánh đường Hagia Sophia đã được tạo nên từ nhiều vật liệu quý giá. Nhiều tài liệu ghi chép lại rằng những vật liệu quý giá nhất từ nhiều nơi như cột đá từ đền thờ Artemis ở Ephesus, đá porphyry phiến lớn từ Ai Cập, cẩm thạch xanh từ Thessaly, cẩm thạch đen từ Bosporus, cẩm thạch vàng từ Syria, cẩm thạch trắng lấy từ các mỏ đá Proconnesia… đã được mang đến và tạo nên Thánh đường nguy nga như hiện tại.
Nơi đây còn lưu giữ nhiều di vật thần thánh bên trong suốt chiều dài lịch sử. Một trong số đó là bức tranh khảm Deesis được chế tác vào năm 1264. Người ta đồn đại rằng Chúa Jesus trong tranh được miêu tả như một người khác và cho rằng nhà triết học Hy Lạp Apollonius của xứ Tyana ngồi ở vị trí của Chúa. Theo giả thuyết này, Chúa Jesus là hư cấu, và Apollonius được dùng làm hình mẫu cho những câu chuyện.
Bên cạnh đó, Thánh đường cũng lưu giữ nhiều mảnh đinh từ cây Thập tự giá đóng đinh Chúa Jesus, tấm vải liệm Đức Mẹ Mary và bia mộ của Chúa Jesus, các mảnh gỗ mà từ đó người ta tạo ra Cánh cửa Hoàng đế, được cho là có nguồn gốc từ con tàu Noah huyền thoại,…
Ở trung tâm đại sảnh của Giáo đường, có một cái giếng được cho là có huyền năng trị bệnh tim và nhiều chứng bệnh khác. Người bệnh sẽ xếp hàng đến giếng ba lần vào các ngày thứ Bảy và uống một cốc nước giếng trong mỗi lần đó, với niềm tin rằng những căn bệnh trong cơ thể mình sẽ được chữa khỏi hoàn toàn nhờ vào thứ nước thánh.
Hagia Sophia còn có một chiếc cột giữ ẩm ngay cả trong cái nắng mùa hè. Người ta tin rằng vật này cũng có khả năng chữa bệnh, bằng cách đặt các ngón tay vào chiếc lỗ giữa nhưng tấm đồng bao quanh cột để chạm vào cột, sau đó chà sát lên khu vực có bệnh trên cơ thể.
Nội thất của khu bảo tàng là một sự kết hợp giữa lịch sử, văn hóa, tôn giáo và kiến trúc tạo nên một công trình vô cùng lộng lẫy. Các bức bích họa tại đây được mạ vàng, khảm bằng đá quý, những bức tượng tinh xảo được tạc đầy công phu, các bức tranh quý giá, mà mỗi một tác phẩm đều là hiện thân của tôn giáo, chính trị. Đây là một công trình mang vẻ đẹp đầy trác tuyệt, một sự hài hòa tuyệt vời mà không thể bỏ qua khi đến Istanbul.
Dù trải qua rất nhiều lần bị tàn phá, tôn tạo và hòa trộn về kiến trúc, Hagia Sophia vẫn mang một vẻ đẹp của sự pha trộn, kết hợp để tạo nên một công trình đặc sắc bậc nhất trong lịch sử nhân loại. Nơi đây cũng là biểu tượng và là niềm tự hào của mọi người dân trên đất nước Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo dõi chúng tôi trên Facebook