Chùa Viên Giác – Ngôi chùa có tháp gốm cao nhất Việt Nam

Việt Nam có nhiều ngôi chùa cùng tên Chùa Viên Giác. Trong số đó ngôi chùa nổi tiếng nhất nằm tại Quận Tân Bình nên mọi người hay gọi là chùa Viên Giác Tân Bình. Trong bài viết hôm nay Thắng cảnh Việt Nam giới thiệu tới các bạn chi tiết về ngôi chùa này nhé!

Chùa Viên Giác Tân Bình ở đâu ?

Chùa Viên Giác tọa lạc ở số 193 đường Bùi Thị Xuân, một con đường nhỏ thuộc phường 1, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh, gần kề chợ Phạm Văn Hai. Du khách cũng có thể di chuyển bằng các tuyến xe bus của thành phố để di chuyển đến chùa: tuyến bus số 29, tuyến 33 và tuyến số 42. Bạn cũng có thể đi bằng các phương tiện giao thông cá nhân như ô tô và xe máy theo hướng dẫn Google Maps bên dưới:

Lịch sử hình thành

Chùa Viên Giác theo Phật giáo Bắc tông do Hòa thượng Thích Hồng Tịnh khai sáng vào năm 1955, ban đầu chỉ là một cái am nhỏ được dựng lên để ẩn tu, nên lúc đó có tên là Ðộc Giác. Sau những lần kiến tạo quy mô, chùa được đổi tên là Viên Giác, có ý nghĩa là sự giác ngộ tròn đầy.

Đến năm 1976, Chùa mới thỉnh Thượng tọa Thích Minh Phát về điều hành Phật sự.

Hai mươi năm sau tức năm 1996, vì sức khỏe của Thượng tọa yếu kém, bệnh không thuyên giảm nên Chùa thỉnh Ðại đức Thích Lệ Trang về trụ trì. Tuy đã trải qua nhiều lần trùng tu, nhưng Chùa vẫn không tránh khỏi sự tàn tạ theo thời gian và nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng Phật tử  ngày càng cao, nên vào đầu mùa xuân năm Tân Tỵ (2001), Ðại đức Thích Lệ Trang cho khởi công trùng hưng ngôi Tam Bảo.

Kiến trúc chùa Viên Giác

Diện tích của chùa Viên Giác không lớn, nhưng lại thu hút ở kiến trúc kiểu Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, một cách uyển chuyển và tinh tế, với hệ thống kèo cột, rui mè đỡ mái, ô cửa tròn, tường bao lượn sóng, mái ngói cong, gam màu vàng và nâu trầm, đỏ gạch làm chủ đạo…

Ngôi chùa được xây dựng theo bố cục hình chữ  Sơn, có mái cong trung hòa vào nét  góc, cung tròn tạo thành những đường lượn mềm mại nhẹ nhàng uyển chuyển làm lộ rõ dáng kiến trúc xây dựng truyền thống.

Bên trong Phật điện, du khách sẽ được chiêm ngưỡng Ðức Di Lặc tôn trí trước “bái đường” khắc họa theo tư thế Tam Ða (Phước – Lộc – Thọ). Tiến vào trong là một lớp cửa “Thập Nhị Thời Thần” – Thần chủ của 12 con giáp cũng là 12 vị thần Ðại Dược Xoa Tướng trong pháp hội Dược Sư được chạm trổ khá công phu và tỉ mỉ.

1. Cổng tam quan

Cổng chùa được xây bằng gạch chát xi măng và sơn màu vàng giống như những ngôi chùa khác tại Việt Nam.

Đi từ cổng tam quan đi vào khoảng sân nhỏ của chùa, du khách sẽ ấn tượng bởi kiến trúc của chùa.

Hình ảnh những chiếc mái vòm cong cong cùng với mái ngói đỏ rêu phong vô cùng ấn tượng.

Nhất là vào những buổi sáng bình minh, khi ánh nắng vàng chiếu xuống mái ngói tựa như những chiếc mái đang tỏa sáng lung linh.

2. Tháp Đẳng Quang

Nổi bật trong khuôn viên chùa là ngôi tháp Đẳng Quang được xây dựng năm 1996 và hoàn thành sau ba năm. Tháp cao 22 m, được Trung tâm sách kỷ lục công nhận là chùa có tháp gốm cao nhất Việt Nam.

Tháp gốm gồm ba tầng với bảy mái được lợp ngói lưu ly. Mái làm theo hình cá chép hóa rồng. Bên trong tháp thờ Xá lợi Phật, tầng hầm có tro cốt và vật lưu niệm của các vị trụ trì trước đây.

Tầng nền có họa tiết hoa sen cách điệu trên nền men trắng. Bốn cửa xung quanh chạm 8 vị thần Kim Cang trên nền gỗ. Lối vào tháp luôn đóng cửa, hạn chế cả du khách, tăng ni phật tử đi lên.

3. Phật điện

Đi qua phần sân chùa được lát bằng gạch đỏ, du khách bước lên vài bậc thang để đến được với Phật điện. Tại đây, du khách có thể hành hương và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tượng Đức Di Lặc với nét mặt hiền hậu cùng với nụ cười ấm áp. Chỉ cần chiêm ngưỡng thôi, trong lòng cũng cảm thấy thanh tịnh hơn rất nhiều. Đi tiếp vào bên trong là nơi thờ tụng tượng Thập Nhị Thời Trần. Ngài là thần chủ của 12 con giáp (đây cũng chính là 12 vị thần trong truyền thuyết Đại Dược Xoa Tướng).

Khi nhìn vào, du khách sẽ nhìn thấy không chỉ một vị Phật mà hóa thành 7 vị phật pháp, lúc ẩn lúc hiện trông vô cùng lung linh huyền ảo. Ngoài ra, ở 2 bên của Điện Phật còn có những pho tượng Thập Bát La Hán. Mỗi một pho tượng sẽ biểu trưng cho 1 ý nghĩa tâm linh khác nhau.

4. Tiếp Dẫn điện

Đi ra phía đằng sau cả Phật điện là Tiếp Dẫn điện. Nơi đây là nơi thờ  tượng Đức Phật A Di Đà, xung quanh là những linh vị trông vô cùng trang nghiêm.

Ngoài 2 phần điện chính chùa Viên Giác còn có các khu giảng đường (chuyên dùng để giảng đạo và là nơi giao lưu văn hóa tín ngưỡng).

Bên cạnh những khu thờ chính còn có khu Khai Sơn đường và Ngũ Quán đường, cùng với những gác vọng dùng để thờ bồ tát Địa Tạng và bồ tát Thiên Thủ Thiên Nhãn.

Lễ Hội chùa Viên Giác

Cứ vào mỗi dịp đầu năm, hoặc vào tầm khoảng tháng 4 âm lịch, chùa thường tổ chức những lễ hội khai xuân, đại lễ Phật Đản, lễ hội Quán Thế Âm… Đây chính là điểm thu hút được rất nhiều du khách đến với đây. Đến với những lễ hội của chùa, du khách không chỉ đến thắp nhang, cầu phúc, cầu may mắn mà còn được tham gia vào các hoạt động vô cùng ý nghĩa trong lễ hội.

Lưu ý khi đi chùa:

  • Chùa là nơi linh thiêng nên khi đến đây bạn không nên ăn mặc những trang phục quá màu mè và gây phản cảm làm mất đi tính trang nghiêm vốn có của chùa.
  • Đến chùa, bạn nên thành tâm cầu bình an và tận hưởng vẻ đẹp an lạc, linh thiêng thay vì mải mê chụp ảnh.
  • Không tùy ý đụng, chạm hay lấy bất cứ đồ vật nào trong chùa khi không được sự cho phép của nhà chùa.
  • Không dẫm đạp lên cây cối, hoa cỏ hay bàn ghế trong chùa. Vứt rác đúng nơi quy định để tránh làm ô nhiễm môi trường.
  • Nên xin phép trước với ban quản lý nhà chùa để được sự đồng ý nếu muốn quay phim, chụp hình.
Bài viết liên quan