TỨ PHƯƠNG VÔ SỰ LẦU – BẮC KHUYẾT ĐÀI

Lầu Tứ Phương Vô Sự ở đâu ?

Nằm bên trên Bắc Khuyết Đài của Hoàng thành, lầu Tứ Phương Vô Sự có cái tên khá dài, nhưng sự hiện diện của công trình kiến trúc này trong lịch sử thì lại hơi ngắn, chỉ 45 năm từ 1923 đến 1968. Đặt tên như vậy là mong mọi việc đều bình yên, nhưng trong thực tế, đã có không ít sự cố tác hại đến di tích này, làm cho nó hầu như chỉ còn là một phế tích từ năm 1968. Tuy nhiên, vì xét thấy lầu Tứ Phương Vô Sự có giá trị về mặt nghệ thuật kiến trúc, cho nên Trung tâm BTDT Cố đô Huế đã tiến hành khảo cổ học tại di tích này vào năm 2001 và sau đó đã tiến hành trùng tu, phục hồi và phát huy giá trị của nó.

Lịch sử Lầu Tứ Phương Vô Sự

Thật ra, tuy số phận của Lầu Tứ Phương Vô Sự trước đây là ngắn ngủi, nhưng tiền thân của nó thì lại lâu dài, có trước khi nó ra đời đến 120 năm. Dù được xây dựng trước hay sau trong quá khứ, các tòa nhà ở đây đều gắn liền với Bắc Khuyết Đài, cho nên, khi tìm hiều về chúng, không thể không nói đến cái đài này.

TỨ PHƯƠNG VÔ SỰ LẦU

Sử sách triều Nguyễn ghi chép rằng, vòng thành bao bọc chung quanh phạm vi Hoàng thành đã được xây dựng vào mùa hè năm 1804. Bấy giờ, ở chính giữa mỗi mặt thành đều có một cái đài, được đặt tên theo phương vị của chúng tính từ trung tâm điểm của Hoàng thành: Nam Khuyết đài, Bắc Khuyết đài, Đông Khuyết đài và Tây Khuyết đài.

Toàn cảnh Tứ Phương Vô Sự Lầu

Riêng Nam Khuyết đài ở mặt trước của Hoàng thành thì bên trên có xây dựng điện Càn Nguyên. Đến năm 1833, tổng thể kiến trúc Nam Khuyết đài và điện Càn Nguyên đã được vua Minh Mạng cho thay thế bằng tổng thế kiến trúc Ngọ Môn và lầu Ngũ Phụng như chúng ta thấy hiện nay.

Còn cái đài ở giữa 3 mặt thành kia thì từ thời Gia Long đến nay hầu như không có gì thay đổi đáng kể. Nội Các triều Nguyễn cho biết về kích thước của 3 cái đài ấy và 3 ngôi nhà được xây dựng trên đó như sau: mỗi đài dài 15 trượng 5 thước (65,87m), rộng 5 trượng 5 thước (23,37m) cao 1 trượng (4,25m); trên mỗi đài là một “phương gia” (nhà vuông) mỗi bề 2 trượng 5 thước 5 tấc (10,83m), mái lợp ngói liệt.

Kiến trúc Lầu Tứ Phương Vô Sự

Với kích thước mỗi bề hơn 10m, đây là những ngôi nhà tương đối rộng rãi. Chúng không chỉ là những điếm canh mà còn được dùng làm nơi túc trực và tránh nắng che mua cho những binh lính giữ nhiệm vụ canh gác và phòng thủ ở mỗi đài. Vào năm 1807, triều Gia Long quy định, mỗi đài phải có 60 người đặt dưới quyền điều hành của một Cai đội và một phó Cai đội, chia nhau ngày đêm canh giữ cho mỗi mặt của Hoàng thành. Đến năm 1832, triều Minh Mạng đã đưa ra những quy định nghiêm cẩn hơn cho mỗi đài về nhiệm vụ bảo vệ an ninh. Nhưng qua thời Thiệu Trị, số binh sĩ canh gác ở mỗi đài chỉ còn một viên Suất đội và 10 người lính (1841), rồi sau đó số lính bị giảm xuống còn 9 người (1845)

Dù sao đi nữa, ngôi nhà vuông ở Bắc Khuyết đài cũng đã được tu bổ hai lần dưới thời Minh Mạng: vào năm 1830 (nhân dịp lễ Tứ tuần Đại khánh tiết của nhà vua) và vào năm 1833 (vì một số cấu kiện bằng gỗ bị xuống cấp). Có lẽ sau đó, ngôi nhà này còn được trùng tu thêm một số lần nữa. Nhưng, một không ảnh do người Pháp chụp Hoàng thành vào khoảng thập niên 1910 cho thấy trên Bắc Khuyết đài không còn ngôi nhà vuông ấy nữa, mà chỉ thấy 2 ngôi nhà nhỏ đứng biệt lập trông giống như 2 điếm canh.

Đến năm 1923, vua Khải Định cho triệt giải 2 điếm canh ấy và cho xây dựng trên Bắc Khuyết đài một tòa nhà 2 tầng với phong cách kiến trúc pha trộn Đông – Tây. Nó được đặt tên mới là lầu Tứ Phương Vô Sự. Một không ảnh khác cũng do người Pháp chụp năm 1932 cho thấy phần nào diện mạo của tòa nhà lầu ấy và quy hoạch sân vườn ở 2 bên tòa nhà trên Bắc Khuyết đài. Sân vườn bấy giờ đã được quy hoạch theo kiểu Châu Âu.

Bên trong Vô sự Lầu

Như vậy, vào thời điểm ấy, chức năng của tổng thể kiến trúc Bắc Khuyết Đài là nơi được dùng để nhà vua và hoàng gia lên hóng mát và ngắm cảnh. Không gian chung quanh tòa nhà lầu này là một không gian mở với nhiều thắng cảnh, như hồ Ngoại Kim Thủy, hồ Nội Kim Thủy có những đảo nhỏ trên mặt nước như Bắc Đảo, Doanh Châu…Đến thời Bảo Đại, lầu Tứ Phương Vô Sự còn là nơi học tập hàng ngày của các hoàng tử và hoàng nữ Bảo Long, Phương Mai, Phương Liên…, mà người phụ đạo là Giáo sư Ưng Quả.

Sau năm 1945, tòa nhà xinh xắn ấy không được quan tâm bảo quản, cho nên ngày càng bị xuống cấp. Nhưng mãi đến năm 1968, nó mới bị bom đạn tàn phá. Sau đó, thời tiết khắc nghiệt và bàn tay con người vô ý thức làm cho nó sập đổ dần, và lâm vào tình trạng hoang phế. Nhưng, di tích này đã được trùng tu xong vào năm 2010 với kinh phí 9 tỷ đồng. Từ đó đến nay, nó trở thành một điểm tham quan thú vị trong Hoàng thành Huế.

Một thời gian dài, lầu Tứ Phương Vô Sự được dùng làm quán cafe. Tuy nhiên, sau đó quán cafe phải trả lại mặt bằng nhằm phục vụ công tác bảo tồn và phát triển du lịch.

Theo dõi chúng tôi trên Facebook

Bài viết liên quan