Khám phá Na Hang (Lâm Bình ) – Thác Nặm Me

Phong cảnh Na Hang

Na Hang mùa nào cũng đẹp bởi vẻ hoang sơ kỳ bí. Mùa thu, không gian hồ trở nên tĩnh lặng, lãng mạn lạ thường. Mỗi sáng thức giấc, lữ khách ngỡ như mình đang lạc vào chốn “bồng lai tiên cảnh” với mặt hồ xanh ngọc bích mờ ảo trong sương, núi cao mây trắng phủ thành tầng…

Với mình đây là một nơi rất thú vị và phù hợp với nhiều đối tượng. Có cả những địa điểm khám phá, vui chơi nhẹ nhàng lẫn điểm chinh phục khó nhằn cho người ưa thử thách.

Na Hang

Chi tiết hành trình chuyến Nặm Me 2 ngày 1 đêm của mình như sau:

Di chuyển tới Na Hang

Ngày 1: Mình đi những điểm nhẹ nhàng để hưởng thụ và thư giãn. Những điểm này sẽ phù hợp cho tất cả mọi người.

Đoàn mình đi xe oto 7 chỗ xuất phát lúc 4h39 sáng, từ Hà Nội đến bến Thuỷ – Lâm Bình, Tuyên Quang. Độ dài quãng đường là 261km.

Trên đường đi đoàn có qua tp Thái Nguyên để đón 1 thành viên lúc 6h sáng, nhân tiện ăn sáng rồi suôi theo hướng Bắc Cạn đi thẳng đến Bến Thuỷ. Hướng đi này đường đèo là chính, cảnh sắc 2 bên cực đẹp toàn cây xanh và rừng núi rất vắng. Tuy nhiên vì là đường đèo nên đi rất dễ say và tuyến này xa hơn nhiều so với đi thẳng từ Hà Nội đến Tuyên Quang.

10h sáng đoàn có mặt tại Bến Thuỷ. Đến nơi, đoàn mình mang hành lý lên thuyền và đem oto đi gửi cách bến thuyền tầm 300m, phí gửi 50k/ ngày rồi bắt đầu hành trình khám phá lòng hồ Na Hang lúc 10h30.

Ấn tượng đầu tiên của mình chính là nước hồ nơi đây xanh biếc như ngọc bích. Cả một lòng hồ với diện tích hơn 8000ha xanh biếc thì các bạn biết là nó phê thế nào rồi đấy!

P/s: Trên hành trình khám phá lòng hồ và dọc 2 bên, có rất nhiều điểm thăm quan nhưng mình chỉ nêu những điểm đáng chú ý mà mình thấy thú vị thực sự thôi nhé!

Địa điểm khám phá tại Na Hang

1 Núi Pác Tạ Na Hang :

Điểm tham quan đáng chú ý đầu tiên chính là Núi Pác Tạ, được người dân ví như “vú của trời” hay còn có tên gọi khác là núi Voi. Ngọn núi này nằm ngay bên trái bến Thuỷ, đứng tại bến cũng nhìn thấy và chỉ được ngắm từ thuyền thôi, không leo lên nha các bạn.

Na Hang

2 Thác Khuổi Nhi Na Hang:

Điểm thứ 2 đáng chú ý và rất nên trải nghiệm sau khi lênh đênh ngắm cảnh trên thuyền hơn 1h đồng hồ là thác Khuổi Nhi, đoàn mình đến vào lúc 11h30.

Thác này có 2 tầng, tầng thứ nhất sau khi leo bộ tầm 100m từ lòng hồ lên sẽ đến. Tầng này thác nhỏ, có một khoảng lòng chứa nước xanh biếc rộng khoảng 30-50m2 đủ sâu để bơi lội và nghịch nước. Một điểm cực kỳ thú vị mà chỉ thác này mới có chính là những nhân viên “mát xa” cao cấp từ thiên nhiên – những ẻm cá suối tự nhiên nhỏ bằng ngón tay út bu vào bạn rất đông và nhanh để rỉa tế bào chết. Người dân nơi đây cũng ko biết mấy ẻm tên gì nên gọi là cá mát xa.

Rời tầng thứ nhất để lên tầng thứ 2 là tầng chính của thác, to hơn, hùng vĩ hơn tầng 1, bơi lội chụp ảnh thì quên sầu. Mình đi đúng vào mùa có rêu xanh nên cảnh rất đẹp! Chơi xong thác này cả đoàn trở lại thuyền vào tầm 2h chiều để đi tới điểm tiếp theo.

Na Hang

3 Hang Phia Vài:

Từ thác Khuổi Nhi di chuyển tầm 20′ thì cả đoàn đến Hang Phia Vài. Hang này khá nhỏ, một phần vì buổi chiều nước lên, nên thuyền ko vào trong được, chỉ đậu mấp mé bên ngoài dừng nghỉ ăn trưa.

Ăn trưa và nghỉ ngơi xong cả đoàn quyết định bơi vào trong hang và đi loanh quanh khám phá. Một đặc điểm rất thú vị của hang này chính là có những dòng nước ngầm bên dưới, nên khi bơi trong hang phần trên của nước ấm nóng nhưng bên dưới lại lạnh. Chính do 2 dòng đối lưu này gặp nhau nên khi bơi trong hang sẽ có khói bốc lên cực kỳ lạ và đẹp mắt! Bơi sâu vào bên trong tầm 15- 20m đến một mạch nước ngầm nhỏ chảy từ trên núi xuống là hết hang.

4 Hòn Cọc Vài Na Hang:

3h hơn đoàn tiếp tục di chuyển đến một điểm khá nổi tiếng ở hồ Na Hang chính là Hòn Cọc Vài. Đây là một cọc đá hình thành hàng nghìn năm, đứng sừng sững trơ trọi giữa hồ rất ấn tượng. Điểm này chủ yếu phục vụ mọi người thưởng lãm, chụp ảnh là chính.

Bãi cọc cháy:

Chụp ảnh hòn Cọc Vài xong cả đoàn di chuyển về điểm cắm trại ở Bãi cọc cháy lúc 6h30. Bãi cọc cháy là 1 đồi cọ bỏ hoang do dân bản ở đây di cư đến vùng khác rồi để lại, do nước thuỷ điện mùa nước dâng cao làm cây cọ bị ngập úng và chết dần, chỉ còn trơ lại những thân gỗ cọ nên nhìn ấn tượng như bến Cọc Bạch Đằng ở Hải Phòng vậy. Đây chính là lý do để concept chát bùn lên người của mình ra đời.

Tối đến đoàn mình hạ trại ăn uống, ngủ nghỉ trên bãi này rất nhã và đẹp!

Ngày 2 : Ngày của sự thử thách và chinh phục, chỉ dành cho những người có sức khoẻ và kỹ năng leo núi tốt.

Sáng ngày thứ 2, đoàn mình dậy sớm ăn sáng và lênh đênh di chuyển đến điểm dừng chân của con thác huyền thoại Nặm Me!

Vì đã được báo trước leo thác rất gắt nên cả đoàn bỏ lại hết đồ dùng không cần thiết ở thuyền và mang người không đi leo thác.

Lên thác có 2 hướng chính. Một là băng theo đường rừng, đường này dài, xa và nhiều vắt. Hai là leo thẳng suối đi lên, đoàn mình đi hướng này theo sự chỉ dẫn của porter.

8h sáng cả đoàn bắt đầu leo thác, ngay những đoạn đường đầu tiên đã 99,9% là đá tảng khó nhằn, đi được một đoạn là mệt há mồm ra. Được 1/3 quãng đường thì 1 thành viên nam trong đoàn cảm thấy chân mình ko ổn vì quá sốc và không đủ thể lực nên quyết định quay về, tránh ảnh hưởng tới cả đoàn là các bạn biết mức độ rồi.

Tổng quãng đường leo thác khoảng 6km, suối đá liên tục và có 3-4 điểm nhấn cực khó với vách thẳng đứng, cao tầm 10-15m cộng thêm không có điểm bấu víu chắc chắn và rêu trơn, nên với ai không đủ kỹ năng và sức khoẻ thì tốt nhất là quay đầu như thành viên đoàn mình đã quyết định, vì nếu cố sẽ rất nguy hiểm!

Đoàn mình vừa leo vừa quay film chụp ảnh khoảng 2 tiếng là tới chân thác. Ăn uống nghỉ ngơi trên thác thoải mái đến tầm 13h chiều cả đoàn xuống núi.

Một trong những điều quan trọng mọi người cần biết khi leo thác là leo lên thì mệt và tốn sức nhưng dễ hơn leo xuống. Leo xuống nguy hiểm và đòi hỏi kỹ năng nhiều hơn. Mình đã phải hướng dẫn 1 thành viên leo rất tốt lúc đi lên, nhưng đi xuống gặp khó khăn do thiếu kĩ thuật lẫn tâm lý. May sao bạn nắm bắt nhanh và đã hoàn thành thử thách rất xuất sắc nên cả đoàn xuống núi chỉ mất 1h45′ là tới thuyền!

Xuống đến nơi đoàn mình nghỉ ngơi một lúc rồi suôi dòng về lại bến để về HN. Tổng quãng đường từ Bến Thuỷ vào đến Thác Nặm Me và quay về bến đo được là 80km cả đường thủy lẫn đường bộ.

=> Lưu ý: con thác này chỉ nên leo khi thời tiết đẹp, nếu trước hôm leo vài ngày trời có mưa thì nên bỏ kế hoạch leo cho an toàn nhé vì thác gắt, mưa to thì không thể đảm bảo an toàn khi leo được!

Khoảng 6h tối đoàn mình thu dọn trở về, ăn tối dọc đường và tầm 10h là về đến Hà Nội. Kết thúc chuyến đi!

Photo : HaiLeCao

Theo dõi chúng tôi trên Facebook
Bài viết liên quan