1. Chùa Trình Yên Tử ở đâu?
Chùa Trình hay còn gọi là chùa Bí Thượng, tọa lạc trên sườn đồi ở làng Bí Thượng thuộc Tổng Bí Giàng, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh; nay thuộc Khu Bí Thượng, phường Phương Đông, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Đây là ngôi chùa thuộc quần thể chùa Yên Tử. Đây là nơi vua Trần Nhân Tông đã dừng chân nghỉ ngơi trước khi lên núi Yên Tử.
2. Lịch sử chùa Trình Yên Tử
Khoảng đầu thế kỷ XIX, chùa được dựng lại trên nền chùa cũ kiểu chữ “Nhất” (-) nhưng nhỏ hơn chùa cũ.
Khoảng đầu thập kỷ hai mươi của thế kỷ XX, chùa bị hoả hoạn, có Phật tử họ Bùi, bà đã phát tâm công đức xây dựng lại ngôi chùa hình chữ “Đinh” (J), rộng hơn nền chùa trước, có ba gian Tiền đường, một gian Hậu cung.
Trong kháng chống Pháp, chùa bị phá huỷ gần như hoàn toàn (chỉ còn lại một ngôi tháp cổ).
Năm 1993, bằng nguồn công đức của nhân dân quanh vùng, chùa được xây dựng lại là ngôi nhà ba gian cấp bốn, kết cấu xà, cột bê tông cốt thép, lợp ngói bản.
Năm 1999, chùa được tu sửa lại khang trang hơn.
Đầu những năm 90 của thế kỷ 20, tuyến đường lớn vào Non thiêng Yên Tử dài khoảng 14 cây số được mở từ ngã ba Dốc Đỏ nối đường 18A, qua Cửa Ngăn vào Bến xe Giải Oan, đã nối liền tuyến đường hành hương của du khách thập phương về Yên Tử.
Năm 2006, nhờ nguồn đầu tư của Nhà nước và nguồn công đức của thập phương, Trình (chùa Bí Thượng) được xây dựng và mở rộng, quy mô to lớn, khang trang như ngày nay. Chùa Bí Thượng trở thành ngôi chùa Trình của cả hệ thống chùa, tháp ở Yên Tử và là nơi hành lễ “Đi trình, về tạ” của quý khách, quý Phật tử mỗi khi về lễ Phật và vãng cảnh Non thiêng.
2. Kiến trúc chùa Trình
Ngôi Chùa Trình kiến trúc kiểu “nội công ngoại quốc”, có Tiền đường, Chính điện thờ Phật, Tả vu, Hữu vu thờ Thập Bát La Hán, có nhà Tổ, thờ Tam Tổ Trúc Lâm, Ban Trần Triều, thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, Tam Vương theo tín ngưỡng dân gian truyền thống của người Việt. Các pho tượng được đúc bằng đồng và tạc bằng gỗ Mít, gỗ Hương. Chùa Trình lợp ngói mũi hài. Trên bờ nóc Tiền đường đắp hàng gạch hoa Chanh, chính giữa đắp nổi bức Đại tự ghi ba chữ Hán “Bí Thượng Tự” (Chùa Bí Thượng), hai đầu nóc mái có hình đầu Rồng nổi ngậm bờ nóc, có sóng nước vân mây, các góc mái có đầu Rồng uốn cong hình sóng nước, vân mây vút lên.