Chùa Đại Giác Phú Nhuận – Linh thiêng ngôi chùa nhỏ

Chùa Đại Giác Phú Nhuận ở đâu ?

Gọi là Chùa Đại Giác Phú Nhuận để phân biệt với Chùa Đại Giác ở Quảng Bình. Chùa tọa lạc ở số 113 đường Nguyễn Văn Trỗi thuộc phường 8, quận Phú Nhuận, Thành Phố Hồ Chí Minh. Chùa cách công viên Hoàng Văn Thụ vài trăm mét nên tới đây rất dễ. Bạn tham khảo thêm chỉ đường của Google Maps bên dưới để tới đây nha. Thắng cảnh Việt Nam gửi tới bạn một số thông tin về ngôi chùa này.

Lịch sử hình thành

Chùa Đại Giác Phú Nhuận được kiến tạo năm 1945 trên phần đất do bà Phủ Hải cúng dường cho sư cô Thích nữ Diệu Thiện. Ban đầu chùa có pháp hiệu là Thiền Tâm với kiến trúc bằng gỗ lợp mái ngói đơn giản. Sau khi sư cô Diệu Thiện viên tịch, chùa không có người kế thừa, nên năm 1953, phật tử địa phương thỉnh hòa thượng Thích Nhật Minh về tiếp quản. Năm 1954, hòa thượng xây dựng lại “ngôi Tam Bảo” kiên cố và đổi pháp hiệu là chùa Đại Giác cho đến nay. Sau nhiều đời trụ trì, đến năm 1996, ni sư thích nữ Huệ Liễu được bổ nhiệm làm trụ trì chùa.

Cũng trong năm 1996, Tổ đình Linh Sơn và ni sư trụ trì làm lễ đặt viên đá đại trùng tu. Đến năm 1999, đợt trùng tu chính thức được khởi công và đem đến diện mạo khang trang cho chùa như hiện nay. Vì Đại Giác là chùa ni nên ni sư chọn màu lam thể hiện sự khiêm cung, nền nã của ni giới.

Kiến Trúc Chùa Đại Giác Phú Nhuận

Cách bày trí của chùa cũng khá đơn giản, chánh điện được đặt ở tầng trên của chùa với gian Đại Hùng bửu điện thờ phật Thích Ca ở vị trí trang trọng nhất. Hàng dưới là bộ tượng Tây Phương tam thánh có kích thước nhỏ hơn rồi đến bộ tượng thất phật Dược Sư và Bồ tát đản sanh. Gian sau thờ tổ Bồ Đề Đạt Ma và bài vị, ảnh tượng chư vị tăng ni đời trước. Tầng dưới được sử dụng làm gian tiếp khách có thờ bồ tát Thiên thủ thiên nhãn. Ở cả hai tầng của khối kiến trúc đều được ngăn ra tách biệt giữa gian cho phật tử đến chiêm bái và nội viện là khu vực các ni sư sinh hoạt.

Sau khi đã chiêm bái nơi chánh điện, chúng tôi ra trước ban công để ngắm nhìn khuôn viên chùa, tuy không lớn lắm nhưng nhờ bày trí ít tượng nên cũng khá thoáng đãng. Bên trái khuôn viên (nhìn từ chánh điện xuống) được trồng một cây bồ đề với tượng phật Thích Ca tọa thiền dưới cội cây thật yên bình. Cách đó không xa là bảng đá một mặt khắc Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm kinh, mặt còn lại khắc tiểu sử của chùa. Ngay trước chánh điện là tượng Quán Thế Âm bồ tát. Dạo bước nơi khuôn viên này, những cơn gió nhẹ nhàng rung những chiếc phong linh treo nơi chánh điện phát ra thứ âm nhạc du dương của đất trời, càng làm cho lòng người như lắng dịu lại.

Tuy có diện tích không lớn so với những ngôi chùa khác, các hạng mục công trình cũng không lớn, nhưng chùa Đại Giác hiện nay là một trong những ngôi chùa có vị trí khá quan trọng. Đây là nơi hàng năm chư ni an cư kiết hạ và là địa chỉ từ thiện với rất nhiều hoạt động. Chùa còn là nơi đầu tiên khôi phục lại phong trào Gia đình phật tử của tỉnh.

 

 

Bài viết liên quan