“THĂNG TRẦM” ĐÀO LỘN HỘT VÙNG THẤT SƠ

Tại xứ Bảy Núi, An Giang cùng với nhiều cây ăn trái truyền thống, đào lộn hột (điều) là cũng thuộc nhóm cây lâu năm được trồng nhiều ở chân và trên núi mấy chục năm qua. Hương vị gắn với bao thế hệ con nít, học trò và đào cũng từng là nguồn thu nhập đáng mong đợi trong năm của nhiều gia đình. Để nay nhìn lại, những trái đào hương sắc rực rỡ vắng bóng dần.

Đào lộn hột là một loại cây to, cao khoảng 8-9m, cho trái sau 8-9 năm trồng. Chúng tự lớn lên, chẳng cần chăm sóc gì nhiều. Nhánh và rễ cây vẫn cứ ngoằn ngoèo vươn ra xa, mang theo sức sống mãnh liệt. Tháng 11 (âm lịch), cây trổ bông, kéo dài đến qua Tết thì kết trái. Đến mùa Vía Bà (tháng 4 âm lịch), coi như hết đào.

Mùa thu hoạch, người dân có thể thu cả phần trái thiệt và trái giả.

Phần trái giả sặc sỡ có màu vàng, cam hoặc đỏ. Thực chất nó là phần cuống phình to thành hình trái lê hoặc đào, lớn bằng nắm tay. Phần thịt (cuống) này rực rỡ, bóng bẩy, thơm phức thấy ham lắm, nhưng không có giá trị kinh tế nên thường hay bỏ chín, mùi nồng nặc cả một gốc trời. Cho đám con nít ăn, mấy đứa háo hức cắn một miếng, rồi nhả ra. Phần xơ ngập nước, có khi chát tưa lưỡi, ăn chẳng thú vị gì. Bỏ đầy một rổ, bày bán mấy ngàn mà có ai hỏi mua! Nhưng khi ăn với nước mắm đường, muối ớt coi như là một món trái cây khoái khẩu, sẽ không còn vị chát nữa. Muốn ăn ngon hơn thì xé nhỏ ra, vắt nước, muối trong keo. Khi nào ăn, bóp cho khô nước, mất mùi đào, rồi thêm gia vị, xào lên, thành món ăn chay ngon lành. Hoặc lấy nước đào, nấu lại làm thuốc trị bệnh bao tử. Ngoài ra có người còn làm rượu đào.

Phần trái thiệt hay được gọi là hột (hạt) đính bên dưới. Cái tên “đào lộn hột” cũng có từ nhưng đặc điểm trên, nghĩa là trái đào mà hột chui ra ngoài. Phần nhân sau khi rang lên có vị ngọt, thơm, béo đặc trưng. Phần nhỏ xíu này cũng là phần có giá trị kinh tế chính của cả cây đào.

Những năm ấy, học trò tụi tui kiểu gì cũng từng có thời gian tranh thủ mấy ngày học trái buổi ghé qua mấy nhà có đào xin trái ăn, lén ba mẹ nướng hột đào mà lúc nào cũng bị mùi thơm của nó “tố cáo”, rồi đứa nào cũng dợ nhựa nó mà văng trúng là bỏng quần áo, đuôi con mắt. ^^

Những năm ấy, mùa hột đào là mùa mẹ tui bận rộn, vất vả nhất, đi sớm về trễ, tay lúc nào cũng dính mủ, người lúc nào cũng nồng mùi, nhưng phải tranh thủ lượm hột cho kịp và cũng tránh bị người ta lượm của mình mất. Bởi thời điểm ấy đào có giá vô cùng, muốn xin mẹ sắm cho cái gì cũng hay để gần tới mùa mới dám xin hoặc mẹ muốn thưởng cho gì cũng hứa đến mùa đào mới dám cho. Hơn chục năm trước mà có lúc hơn 30 ngàn/ 1 kí hột tươi. Em tui nói có khi ngán lắm, tối ngủ còn ám ảnh cái mùi mà nghĩ mỗi chiều phụ lượm, lặt hột xong mẹ thưởng cho 2 cái bánh flan là nó có động lực ghê gớm. ^^

Bông đào rất nhạy cảm với thời tiết. Cứ để ý thời điểm đào ra bông, bông thế nào là đoán năm đó trúng hay thất. Năm trúng thì ngon lành cành đào lộn hột, năm thất thì cực te tua nhưng cũng may còn cây trái khác gỡ gạt vì lúc nào trong vườn bà con cũng trồng nhiều loại cây trái.

Những cây trồng từ mấy chục năm từ thời ông bà đã lão, cộng với thời tiết thất thường nên có nhiều năm cho năng suất sấp, hạt nhỏ, quan trọng nữa là cạnh tranh, mất giá (thời điểm hiện tại là 12 ngàn/ 1 kí hột tươi).

Nên hơn 5 năm nay bà con rủ nhau hạ đào trồng bưởi, cam, sầu riêng giống ghép cho nhanh ăn, có giá, điều này cũng được địa phương khuyến khích.

 Miếng vườn dì tôi bán cho người ta toàn đào, nhưng họ hạ hết để trồng những cây trên, nhưng cũng đau tim lắm. Phải chăm bón phân thuốc, bao bọc kỹ lưỡng chứ không được bỏ như đào hay cây trồng hạt, để tự nhiên hồi xưa. Rồi lo có được mùa, được giá, được chất lượng, mẫu mã, được thị trường. Hai năm nay ảnh hưởng dịch trái cây chất đống ở chợ với giá như cho.

Nên ngẫm nông dân hồi xưa cực chứ nông dân bây giờ tuỳ thời thế có khi vừa cực, vừa khổ ấy. Hy vọng khó khăn chóng qua.

Bản thân mẹ tui cũng được hàng xóm ở rẫy thương, rủ hạ đào trồng như họ để nhanh có cái ăn như vậy. Nhưng mẹ tôi biết thân, không có nhiều người làm, sức hạn chế, yếu tim ngán lo, ngán nặng đầu tư nên cứ để vậy lượm bạc cắc mà ngủ ngon. Nên giờ cả cái núi chắc có vườn mẹ tôi là còn đào nhiều nhất, tui còn trái để vừa ăn vừa “chém gió” bài này cho các bạn nghe nè. ^^

Gọi là “Thăng – Trầm” cho màu mè vậy thôi, vì con người mình gắn tự nhiên với kinh tế nên đặt tên chứ tự nhiên vẫn cứ vậy, vẫn giàu có nhưng hào phóng thì tuỳ chổ.

Những dòng này tui viết bằng đôi tay còn nặng mùi đào sau 1 tuần phụ mẹ lên vườn lặt hột, cũng là thời gian gần cuối mùa đào. Gọi là lượm bạc cắc nhưng vẫn biết ơn vô cũng những gì đào mang lại, nơi tui có tuổi thơ cực mà vui, là tuổi học trò có cái để ăn, để chơi với bạn, là những đợt sắm sửa, đóng tiền học sau Tết mẹ cho.

Bài viết liên quan