Phố Phan Đăng Lưu ở đâu ?
Nhiều người nói đường Phố Phan Đăng Lưu giống như một Hồng Kông thu nhỏ vì dáng điệu hiện đại và bộ mặt thương mại của nó. Để ý kỹ sẽ thấy phần lớn các biển hiệu buôn bán ở con đường này đều được thiết kế và treo theo chiều dọc bên cạnh những ngôi nhà cao tầng, chạy chữ màu đỏ bằng đèn Led rất nổi bật. Một số cửa hiệu còn để cả tiếng Hoa, vì gốc gác ngôi nhà và mặt hàng buôn bán là của người Hoa kinh doanh thuốc bắc. Đứng từ phía đầu đường Trần Hưng Đạo nhìn vô sẽ thấy con đường này khác biệt rất nhiều những con đường khác ở Huế, từ đặc thù kinh doanh đến không khí phố phường & là một trong những khu phố mua sắm sầm uất bậc nhất Cố đô Huế từ thời xưa đến nay.
Lịch sử của Phố Phan Đăng Lưu
Được hình thành từ cuối thế kỷ XIX, trải qua nhiều tên gọi khác nhau từ phố Cửa Đông, đường Gia Long, đường Phan Bội Châu, từ năm 1977 đến nay, đoạn đường dài hơn 700m ấy chính thức được lấy tên gọi Phan Đăng Lưu. Nhìn vào lịch sử tồn tại gần hai thế kỷ của con đường này sẽ cho thấy nhiều lát cắt thú vị.
Phố Phan Đăng Lưu nằm ở vị trí tiếp giáp hành lang hai cây cầu (Đông Ba & Gia Hội) của khu buôn bán Đông Ba – Gia Hội trong quá khứ nên con đường này có nhiều thuận lợi về giao thương kinh tế. Hàng da thủ công, hàng sứ, hàng mộc, đặc biệt là hàng thuốc đông y cổ truyền của những gia đình người Hoa vẫn còn vương vấn dấu tích đến ngày nay. Song song với đường Phan Đăng Lưu là đường Huỳnh Thúc Kháng (xưa gọi là phố Hàng Bè), có thể giao thương bằng đường thuỷ về phố cổ Bao Vinh. Đó là những chấm phá về kinh tế. Cố nhiên, diện mạo quá khứ của con đường này không thể thiếu những dấu ấn về văn hoá, lịch sử.
Truy tầm tài liệu nghiên cứu về đường Phố Phan Đăng Lưu, có lẽ Rạp hát Bà Tuần là địa danh được gọi tên nhiều hơn cả. Rạp hát này do phu nhân của Tuần phủ Đặng Ngọc Oánh xây dựng vào năm 1923, còn có tên gọi là Đồng Xuân Lâu (ngôi lầu cùng hưởng mùa xuân). Theo nhà nghiên cứu Bửu Ý, đây là nơi tổ chức hát bội, ca Huế, cải lương. Những vở tuồng cổ như San Hậu, Giang Đông phó hội, Giang Tả cầu hôn… trở thành những tác phẩm sân khấu được công chúng rất ưa chuộng thời bấy giờ. Ngoài ra, Rạp Bà Tuần còn là nơi tổ chức bói tuồng trong những ngày tết. Sau vài thập niên tồn tại, rạp hát này hiện đã không còn nhưng vẫn sống trong ký ức của những ôn mệ còn nhớ chuyện những sân khấu dân gian ở Huế.
Phố Phan Đăng Lưu ngày nay
Nổi bật nhất tại tuyến đường là các cửa hàng kinh doanh điện dân dụng. Đa phần các cửa hàng điện ở đây đều có xuất phát điểm từ truyền thống của gia đình, còn lại do người nơi khác đến thuê mặt bằng kinh doanh.
Ngoài hàng điện, cần phải kể đến các cửa hàng bán đồ thờ cúng, hoành phi, trướng liễn và cửa hiệu bán máy may. Sự sắp xếp và quy hoạch cửa hiệu của con phố này cho thấy sự nhất quán trong tập quán buôn bán của cư dân Đàng Trong vẫn có từ xưa. Điều này minh chứng kinh đô là địa điểm có khả năng hội tụ và giao lưu kinh tế – văn hoá mạnh hơn bất cứ nơi nào.
Phan Đăng Lưu trở thành một trong những đại diện tiêu biểu của nhịp sống đô thành. Sự giao thoa cũ và mới, truyền thống và hiện đại vẫn hàng ngày hàng giờ vận động âm ỉ trong lòng con đường này. Những di chỉ thời gian, những bóng người hoài cổ, những ngõ ngách cũ kỹ đan trộn trong hơi thở hiện đại của phố phường. Đó là cơ sở của sự chuyển tiếp văn hoá, minh chứng một nhận định, con đường hiện đại tưởng như không Huế mà lại vẫn Huế.
=> Từ thời các Chúa Nguyễn & Vua Nguyễn. Phố Phan Đăng Lưu cùng với đường Huỳnh Thúc Kháng – Chi Lăng – Bạch Đằng…,nơi tập trung rất đông người Hoa sinh sống, kinh doanh buôn bán & được xem là phố người Hoa tại Huế. Bài viết tiếp theo Ad sẽ giới thiệu đến các bạn đường Chi Lăng (“phố Tàu tại Huế”)
Nguồn Huế Viewer
Theo dõi chúng tôi trên Facebook