Nhà Đấu xảo Hà Nội-Công trình đồ sộ nhất Hà Nội thời Pháp thuộc

Khu Đấu xảo được kiến trúc sư người Pháp Bussy thiết kế, khánh thành năm 1902, rộng khoảng 3.000m2, có quy mô lớn và được coi là điểm nhấn kiến trúc đặc sắc nhất ở Hà Nội vào thời điểm 10 năm trước khi Nhà hát Lớn Hà Nội được khai trương (1911).

Từ cổng ngoài đến cửa vào nhà dài 300m. Cửa vào đặt 2 con sư tử đồng lớn (là dấu tích duy nhất còn sót lại của khu Đấu xảo, nay được dựng ở ngoài Rạp Xiếc trung ương). Giữa quảng trường đặt một tốp tượng. Công trình dài 110m, rộng 30m và cao 27m, giữa là một gian mái tròn nối với các gian khác bằng nhiều hành lang. Trong lâu đài trang trí bằng nhiều tranh vẽ lên tường của họa sĩ Vollet.
Toà nhà này sau đó được chuyển giao để thành lập một bảo tàng kinh tế đầu tiên và lớn nhất Đông Dương, mang tên Maurice Long.
Chính tại khu vực nhà đấu xảo này, chiều 1.5.1938, đã diễn ra cuộc mít-tinh biểu tình rầm rộ chào mừng Ngày Quốc tế Lao động với sự tham dự của 25.000 người thuộc 25 đoàn. Đây là cuộc mít-tinh lớn nhất trong thời kỳ vận động dân chủ, biểu dương sức mạnh của nhân dân lao động.
Sau này, khi Nhật vào Đông Dương, chúng chiếm Đấu xảo làm doanh trại và kho quân lương, quân khí, vì nơi đây có một tầng hầm kiên cố, xây bằng đá hộc. Đây là nguyên nhân khiến cho toà kiến trúc đẹp đẽ biến mất sau trận ném bom bởi máy bay của quân Đồng minh năm 1945. Cùng Thắng cảnh Việt Nam khám phá lại lịch sử của nhà đấu xảo qua những bức ảnh dưới đây:

Theo Bùi Trung Hiếu

Bài viết liên quan