Chùa Quán Sứ – Trụ sở tổng giáo hội Phật Giáo Việt Nam

Chùa Quán Sứ ở đâu ?

Chùa Quán Sứ nằm tại địa chỉ số 73 Đường Quán Sứ, thuộc Phường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Địa chỉ trước kia là thuộc thôn An Tập, Phường Cổ Vũ, Tổng Vĩnh Xương, Thành Thăng Long. Nơi đây cách Hồ Gươm chỉ 1km. Để tới đây bạn có nhiều tuyến đường duy chuyển. Để tìm tuyến đường gần nhất bạn có thể xem hướng dẫn Google Maps bên dưới. Thắng cảnh Việt Nam giới thiệu tới bạn đọc một số thông tin về ngôi chùa này.

Lịch sử hình thành

Chùa Quán Sứ được xây dựng từ cuối thế kỷ 14. Ban đầu chùa chỉ là mấy gian nhà tranh dùng để cúng tế cầu an cho thôn An Tập. Đến thời vua Lê Thế Tông các nước như Chiêm Thành, Ai Lao thường cử sứ giả tới nước ta Triều Cống. Vì các vị này đều theo đạo phật nên nhà vua cho dựng một tòa nhà trong khuôn viên chùa đặt tên là Quán Sứ để họ ở lại và tiện hành lễ.

Trải qua quá trình lịch sử Chùa Quán Sứ đã không còn dãy nhà tiếp các sứ giả nữa nhưng ngôi chùa vẫn còn đó. Đến năm 1822 dưới thời vua Gia Long chùa được sửa sang tân trang để làm chỗ lễ bái cho các quân nhân đóng quân ở đồn Hậu Quân gần đó. Sau khi quân lính rời đi sư trụ trì chùa là nhà Sư Thanh Phương cho đúc chuông, dựng tượng, xây dựng thêm các hành lang.

Đến năm 1934 Tổng hội phật giáo Bắc Kỳ được thành lập và lấy Chùa Quán Sứ làm trụ sở của trung ương Hội. Năm 1942 chùa được xây dựng lại theo thiết kế của kiến trúc Sư Nguyễn Xuân Tùng và Nguyễn Ngọc Ngạn. Các công trình tồn tại tới ngày hôm nay.

Ngày 13/5/1951 lá cờ của phật giáo thế giới do thượng tọa Tố Liên mang về từ Colombo đã lần đầu tiên tung bay tại Việt Nam.

Kiến Trúc Chùa Quán Sứ

Chùa Quán Sứ với tổng thể kiến trúc được xây dựng theo kiến trúc Phật giáo Bắc Tông. Bước vào chùa là cổng Tam Quan với 3 tầng mái. Ở giữa là một lầu chuông. Bước qua cổng là sân chùa được lát gạch bát tràng cổ. Bước lên 11 bậc thềm là chính điện có kiến trúc hình vuông bốn xung quanh là hành lang.

Bên trong là Điện Phật được bài trí trang nghiêm. Khu điện thờ thờ 3 vị Tam Thế Phật đặt trên cao nhất. Bên dưới một bậc thờ tượng Phật A Di Đà ở giữa và 2 bên là Đại Thế Chí và Quan Thế Âm. Bậc thứ 3 thờ Phật Thích Ca, Ca Diếp, A Nan Đà. Bậc cuối cùng bên dưới thờ Cửu Long, Địa Tạng và Quan Âm. Gian bên phải thờ Lý Quốc Sư, gian bên trái thờ Đức Ông, Quan Bình và Châu Thương.

Phía sau là nhà thờ Tổ nơi thờ Lịch đại tổ sư Phật Giáo Việt Nam. Phía sau còn các dãy nhà được dùng làm thư viện, nhà khách, giảng đường và tăng phòng.

Bài viết liên quan