Chùa Phật Tích và bức tượng bằng đá xanh lớn nhất Việt Nam

Chùa Phật Tích ở đâu ?

Chùa Phật Tích (hay còn gọi là chùa Vạn Phúc) nằm cách Hà Nội 20km về phía Đông, có vị trí tọa lạc trên núi Lạn Kha thuộc địa phận xã Phật Tích, huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Chùa cách trung tâm thành phố Bắc Ninh khoảng 15 km. Để di chuyển từ trung tâm thành phố Bắc Ninh đến chùa Phật Tích, bạn có thể đi theo lộ trình: Lý Thái Tổ – Nguyễn Trãi – Quốc Lộ 38 – đường 295 – đi thêm 7km nữa sẽ tới chùa Phật Tích.

Ngoài ra, để tích kiệm chi phí và tránh lạc đường, bạn có thể bắt xe bus tuyến 04 Lim – Thành Đô với bến đỗ ngay dưới chân chùa Phật Tích. Bạn có thể bắt xe bus tại các bến xe Thành Đô, đường Lý Thái Tổ, đường Nguyên Phi Ỷ Lan,… và nhớ hỏi phụ xe điểm xuống để tránh bị lỡ bến nhé.

Nếu đi xe cá nhân bạn có thể đi theo hướng dẫn của Google Maps bên dưới:

Lịch sử hình thành

Khởi đầu đây là chùa Tiên Sơn là nơi hội tụ và dừng chân của các nhà truyền giáo đầu tiên từ Ấn Độ sang nước ta và các thiền sư đạo cao, pháp minh. Tuy nhiên, phải đến thời Lý (1010-1025) mô hình sinh hoạt, tu tập tại chùa mới rõ nét và quy mô bởi lúc này chùa trở thành quốc tự, cũng là quê hương của các vị vua triều Lý.

Chùa Phật Tích

Năm 1041, Lý Thái Tông cho xây Viện Từ Thị Thiên Phúc và đúc tượng Phật A Di Lặc nặng 7.560 cân để tôn thờ. Kể từ đấy, núi Thiên Phúc hay chùa Thiên Phục được hình thành, thay cho tên chùa Tiên Sơn.

Năm 1057 – 1066, vua Lý Thánh Tông cho xây chùa Thiên Phúc và dựng tháp cao nhất nước, bên trong dựng tượng Phật hiện cao 1,87m, cả bệ là 2,87m, đúc 2 tượng Phạm Thiên và Đế Thích bằng vàng thờ trước chùa.

Theo sử sách, năm 1071, vua Lý du ngoạn đến Phật Tích đã viết chữ Phật dài 1 trượng 6 thước (5m), sai khắc vào đá để ở chùa trên núi Tiên Du. Cũng có truyện kể rằng, năm 1129, dưới triều vua Lý Thần Tông đã khánh thành 84.000 bảo tháp đất nung, đặt ở nhiều nơi trong cả nước, riêng ở Phật Tích đặt 8 vạn tháp, vì vậy dãy núi ở Phật Tích được mang tên Bát Vạn sơn. Từ 1073 – 1210, các triều vua Lý Anh Tông, Lý Cao Tông đều đến Quốc tự Thiên Phúc.

Theo bia Vạn phúc đại thiền tự bi (niên Chính Hòa thứ 7) chùa tọa lạc ở một vị trí khá đẹp “núi Phật Tích thiên ứng thế ở phương Nam, núi Phương Lĩnh bọc vào. Sông Ngưu Giang áng đỏ ngưng lại vuông tròn, nước trong leo lẻo huyền hư, núi cao vời vợi sáng lòa. Bên trái mạch nước rồng xanh chảy vòng quanh, bên phải núi hổ trắng chầu vào”.

Sang đời Trần (1228 – 1400), chùa Thiên Phúc vẫn là quốc tự nhưng được đổi tên là Vạn Phúc. Năm 1279 – 1280, vua Trần Nhân Tông đã cho xây cung Bảo Hoa, sau khi khánh thành, nhà vua đã soạn tập thơ Bảo Hoa dư bút gồm 8 quyển để kỷ niệm.

Vua Trần Nghệ Tông (1370) cho xây dựng thư viện Lạn Kha do chính ông làm Viện trưởng, để đọc sách, thưởng ngoạn và hành cung của triều đình. Năm 1384, Vua tổ chức cho thi Thái học sinh (Tiến sĩ) tại đây để chọn người tài đức phục vụ đất nước.

Chùa cũng là nơi ghi nhận dấu ấn một thiền sư Trung Hoa nổi tiếng – thiền sư Chuyết Chuyết. Từ năm 1635 – 1644, Thiền sư Chuyết Công đến hành đạo tại chùa Phật Tích, chúa Trịnh Tráng, vua Lê Huyền Tông và các bậc công hầu đều kính trọng. Chúa Trịnh Tráng muốn có thêm kinh điển Phật giáo để lưu hành trong nước nên thiền sư đã cho đệ tử Minh Hành về Trung Hoa thỉnh kinh. Kinh điển thỉnh về, một số được khắc để phổ biến, số còn lại và các bản khắc đều được tàng trữ tại chùa Phật Tích.

Đến thời Lê Trung Hưng (1686), chùa bị xuống cấp, các vua Lê đã cho tu bổ lại như quy mô cũ, gọi là chùa Phật Tích (tên chữ là Vạn Phúc).

Thời Nguyễn, chùa Phật Tích được tu bổ lần cuối.

Từ năm 1949 – 1952, Pháp chiếm chùa Phật Tích và phá hủy hoàn toàn ngôi quốc tự này, chỉ còn nền gạch và một số pho tượng Tổ, và một vài Pháp khí khác.

Khi hòa bình lập lại từ 1954 đến nay, chùa Phật Tích được khôi phục dần. Năm 1959, Bộ Văn hóa cho tái tạo lại 3 gian chùa nhỏ làm nơi đặt pho tượng A di đà bằng đá quý giá. Tháng 4 năm 1962, nhà nước công nhận chùa Phật Tích là di tích lịch sử – văn hoá.

Năm 2008, khởi công xây dựng mới một số công trình, trong đó có công trình tạo tác tượng Phật bằng đá(tính cả bệ) cao 30m trên núi Phật Tích. Tượng Phật A Di Đà mới dựng theo tượng Phật do vua Lý Thánh Tông cho tạc năm 1057, nay được tôn thờ tại Chánh điện.

Sự tích tên chùa Phật Tích

Năm 1066, vua Lý Thánh Tông (1054 – 1072) cho xây dựng tòa bảo tháp kì vĩ, cao khoảng 40m bên sườn núi. Tương truyền, khi tòa tháp đổ, bên trong lộ ra một pho tượng Phật A Di Đà tạc bằng đá xanh nguyên khối. Trước sự kiện này, xóm Hỏa Kê cạnh chùa đã đổi tên thành thôn Phật Tích

Kiến Trúc chùa Phật Tích

Bức tượng Phật A di đà cao 27m nằm trên đỉnh núi Phật Tích. Đây là phiên bản được lấy nguyên mẫu từ tượng Phật A di đà trong chùa. Trên bệ được điêu. khắc những cánh hoa sen, hình rồng phượng và hoa lá – những nét đặc trưng dưới thời nhà Lý. Đặc biệt, bức tượng được xây dựng nhân dịp kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Vườn Tháp của chùa Phật Tích có hơn 32 ngọn tháp, là nơi cất giữ xá lị của các vị sư trụ trì và nhục thân của Thiền sư Chuyết Chuyết. Hầu hết  các ngọn tháp đều có tên và niên đại an tháp. Trong đó,ngọn tháp lớn nhất là tháp Phổ Quang. Tháp Phổ Quang hay còn gọi là “Tháp Bảo Nghiêm” được xây dựng từ năm 1692 với 4 tầng, phía mặt tháp có điêu khắc tượng Phật ngồi trên tòa sen. Bên cạnh chùa Phật Tích còn có sườn núi với những hàng gạch nhỏ, mỗi cây tháp lại có xá lị của một vị hòa thượng đã đắc đạo. Nơi đây là địa điểm tham quan thú vị mà du khách nên ghé thăm. Tháp Phổ Quang cao 5,10m gồm đế, khám thờ, hai tầng diềm và mái mui luyện với chóp tròn.

tháp Phổ Quang

Chùa  có 7 gian tiền đường để dùng vào việc đón tiếp khách, 5 gian bảo thờ Phật, đức A di đà cùng các vị tam thế, 8 gian nhà Tổ và 7 gian nhà thờ Mẫu. Chùa Phật Tích Bắc Ninh có kiến trúc của thời Lý, thể hiện qua ba bậc nền bạt vào sườn núi có kè bằng đá tảng dựng đứng như bức tường dài 58m, cao từ 3–5m, ở khoảng giữa tường là lối đi bằng đá rộng 5m có 80 bậc.

Chùa được kiến trúc theo kiểu Nội công ngoại quốc, bậc nền thứ nhất là sân chùa Phật Tích Bắc Ninh với vườn hoa mẫu đơn lưu truyền mối tình duyên trong truyền kỳ “Từ Thức gặp tiên”. Bên phải là miếu Tiên chúa thờ Trần Ngọc Am. Phía trước miếu có dựng một ngọn tháp Linh Quang xây năm Chính Hoà XX (1699).

Hàng tượng linh thú ngàn năm tuổi Chùa Phật Tích

Hàng tượng linh thú ngàn năm tuổi được bố trí án ngữ tại sân chùa, trước tòa Tam Bảo. Mười linh thú, bao gồm 5 đôi: sấu, ngựa, trâu, voi, sư tử.  Mỗi linh thú lại được khắc họa vô cùng sinh động với tư thế, biểu cảm độc đáo khác nhau. Các linh thú này đều gắn liền với cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, mang ý nghĩa bảo vệ và quy y Phật pháp. Đến năm 2017, bộ tượng 10 linh thú tại chùa Phật Tích được công nhận là Bảo vật Quốc Gia.

Lễ hội chùa Phật tích

1. Lễ hội Khán hoa mẫu đơn

là một trong những lễ hội diễn ra với quy mô lớn, sớm nhất tỉnh Bắc Ninh, tồn tại và phát triển qua hàng nghìn năm theo ngôi chùa Phật Tích cùng với câu chuyện tình cảm động Từ Thức gặp tiên.

2. Lễ hội chùa Phật Tích

thường được tổ chức trong ba ngày, từ mồng 3 đến mồng 5 Tết âm lịch hàng năm, trong đó ngày chính hội là mồng 4. Từ ngày khai hội (mồng 3 tết), rất đông du khách đã kéo về chùa Phật Tích để lễ Phật, cầu bình an. Hàng vạn người có mặt tại đây đã khiến các lối lên chùa, tháp chuông, Đại phật tượng A di đà chật cứng.

Lưu ý khi đi chùa

  • Chùa là nơi linh thiêng nên khi đến đây bạn không nên ăn mặc những trang phục quá màu mè và gây phản cảm làm mất đi tính trang nghiêm vốn có của chùa.
  • Đến chùa, bạn nên thành tâm cầu bình an và tận hưởng vẻ đẹp an lạc, linh thiêng thay vì mải mê chụp ảnh.
  • Không tùy ý đụng, chạm hay lấy bất cứ đồ vật nào trong chùa khi không được sự cho phép của nhà chùa.
  • Không dẫm đạp lên cây cối, hoa cỏ hay bàn ghế trong chùa. Vứt rác đúng nơi quy định để tránh làm ô nhiễm môi trường.
  • Nên xin phép trước với ban quản lý nhà chùa để được sự đồng ý nếu muốn quay phim, chụp hình

Bài viết liên quan