Chùa Giác Viên – ngôi chùa cổ và những vật phẩm lịch sử

Chùa Giác Viên ở đâu ?

Chùa Giác Viên hay Tổ Đình Giác Viên còn có tên là chùa Hố Đất  là một ngôi cổ tự tại số 161/85/20 đường Lạc Long Quân, phường 3, Quận 11, thành phố Hồ Chí Minh. Nằm trong con hẻm nhỏ tại quận 11 các bạn tới đây có thể tham khảo hướng dẫn chỉ đường google maps bên dưới. Cùng Thắng cảnh Việt Nam tìm hiểu về ngôi chùa này nhé

Lịch sử hình thành Chùa Giác Viên

Chùa Giác Viên (Tổ Đình Giác Viên) còn có tên là chùa Hố Đất (vì trước đây ở bên rạch Hố Đất) là một ngôi cổ tự.

Năm Mậu Ngọ (1798), chùa Giác Lâm được Thiền sư Tổ Tông -Viên Quang (đời thứ 36, trụ trì: 1774 – 1827) cho trùng tu lớn, gần như là làm mới lại tất cả. Gỗ xây dựng chùa được chở từ rừng về bằng đường sông, theo rạch Hố Đất (tức rạch Tân Hòa) vào rạch Ông Bường, rồi đỗ ở bến mà sau này là vị trí của chùa Giác Viên ngày nay.

Sau khi cưa xẻ, những cây ván được đưa về chùa Giác Lâm (cách đó khoảng 2 km) bằng xe trâu. Công trình đại trùng tu đó kéo dài khoảng 6 năm mới xong (1798–1804). Trong khoảng thời gian đó, một ông hương đăng già (lo việc nhang đèn trong chùa, không rõ họ tên) được cử đến trông coi việc cưa xẻ và giữ gìn cây gỗ. Đến đây ông dựng một cốc nhỏ (bên trong có thờ Bồ Tát Quán Thế Âm) vừa làm nơi tu, vừa để lo cho công việc. Đến khi chùa Giác Lâm được trùng tu xong, Thiền sư Tổ Tông-Viên Quang cho sửa am thành chùa, đặt tên là Viện Quan Âm.

Năm Canh Tuất (1850), Hòa thượng trụ trì chùa Giác Lâm lúc bấy giờ là Tiên Giác Hải Tịnh (đời thứ 37, trụ trì: 1827 – 1869) cho trùng tu viện thành chùa, đổi tên lại là Giác Viên.

Kiến trúc chùa Giác Viên

Chùa Giác Viên được xây dựng theo kiểu chùa cổ Nam Bộ với kiến trúc tổng thể gồm cổng tam quan, ngôi Chính điện, nhà tăng, vườn Tháp… Ngôi chùa có hai nếp nhà tứ trụ ghép liền nhau; nếp trước là khu chính điện, thờ chư tổ; nếp sau là giảng đường, phòng khách. Hai bên có hai dãy Đông lang và Tây lang nối vào nhà chính.

Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Chùa có 153 pho tượng và 57 bao lam, hầu hết được tạo tác và chạm khắc vào hai lần đại trùng tu ngôi chùa. Hầu hết các cổ vật này được chạm khắc vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Nét đặc biệt trong kiến trúc chùa Giác Viên là bộ sườn gỗ chạm trổ tinh vi, tiêu biểu cho kiến trúc cổ truyền tại miền Nam Việt Nam.

Được biết, trải qua vài lần trùng tu vào những năm 1899 – 1902, 1908 – 1910, chùa vẫn giữ được những nét xưa với bộ khung cột gỗ, kèo gỗ, mái lợp ngói âm dương cổ kính.

Thầy Thích Huệ Quang, đại diện chùa Giác Viên cho biết: “Toàn bộ khuôn viên diện tích gần 20.000m2, theo bình đồ hình chữ Trung. Chùa gồm kiến trúc chánh điện, nhà tổ, nhà giảng, đông lang và tây lang có tỷ lệ hài hòa, đẹp mắt. Chùa Giác Viên hiện đã qua các đời trụ trì: Minh Vi, Minh Khiêm, Như Nhu, Như Phòng, Hồng Dung, Hồng Từ, Thiện Phú và hiện quản lý là hòa thượng Thích Thiện Xuân”.

Khu mộ tháp tại chùa Giác Viên, nơi yên nghỉ của các vị trụ trì trong chùa là một quần thể di tích rất độc đáo. Bắt đầu xây dựng tháp đầu tiên từ năm 1930 đến nay đã có 7 tòa tháp đang chôn cất 7 vị sư trụ trì đã qua đời.

Vật phẩm lịch sử trong chùa

Các pho tượng Tổ thờ ở nhà Tổ được xem là tượng chân dung sớm ở Nam Bộ. Chánh điện thờ đến 120 pho tượng, đáng chú ý có các tượng và bộ tượng: A Di Đà, Bồ Tát Di Lặc, Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Thập Điện Diêm Vương (10 tượng), Thập Bát La Hán (18 tượng). Ngoài ra, ở bàn thờ Tổ, có ba tượng chân dung của ba vị trụ trì là: Tiên Giác-Hải Tịnh, Như Nhu-Chân Không và Như Phòng -Hoằng Nghĩa.

Các bao lam ở chùa đều có giá trị nghệ thuật cao như ba bao lam chạm lộng cả hai mặt ở nhà Tổ. Nhiều đề tài dân gian được thể hiện trên bao lam như: Tô Vũ chăn dê, Ngư tiều canh độc… đặc biệt là bao lam Bá Điểu và bao lam Thập bát La Hán thượng kỳ thú. Ở bao lam Bá Điểu, với chiều dài 3m, chiều rộng 2,2m, người xem như thấy cả thế giới loài chim đang sinh hoạt ở quanh mình, từ chim công, phụng, trĩ đến chim sẻ, chim bói cá, chào mào, họa mi, le le… Chùa còn có bộ Sám bài bằng gỗ chạm nổi Ngũ Hiền (tượng Phật và bốn vị Bồ tát Quan Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền) đặc sắc; tấm bình phong đặt ở bàn thờ Tổ, Đề Thính được khắc chìm, nét chạm điêu luyện, săc sảo; tượng Giám Trai bằng gốm cao 105cm, đặt tại Đông lang do Nam Hưng Xương tạo vào năm 1880.

Ngoài số cổ vật ấy, chùa còn lưu giữ một chiếc giá võng của Triều đình nhà Nguyễn tặng hòa thượng Tiên Giác-Hải Tịnh và một gốc mai cổ thụ. Theo Gia Định xưa, gốc mai này “nguyên lấy giống cây mai của ông Mạc Cửu đem từ Trung Quốc sang Việt Nam”.

Bài viết liên quan