Chùa Chuông – Danh lam phố Hiến

Chùa Chuông là một danh lam của đất Phố Hiến Hưng Yên, nơi mà có câu ca dao: “thứ nhất kinh kì thứ nhì phố hiến” mà bao thế hệ học sinh đã quá quen thuộc và thân thuộc. Vì mỗi trang sách, trang vở đã in dấu câu này. Ngay bây giờ chúng ta cùng Thắng cảnh Việt Nam thông luận về chùa chuông, ngôi chùa nổi danh trong danh lam thắng cảnh Hưng Yên này nhé.

1. Chùa Chuông ở đâu?

Chùa Chuông có tên chữ là Kim Chung Tự nằm tại thôn Nhân Dục, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên. Chùa Chuông nằm trong quần thể di tích Phố Hiến và được mệnh danh là “Phố Hiến đệ nhất danh thắng”. Để đến chùa bạn tham khảo hướng dẫn google maps bên dưới.

2. Lịch sử hình thành chùa Chuông

Chùa Chuông được khởi dựng từ thời Lê (thế kỷ 15) và trải nhiều lần trùng tu, tôn tạo về sau nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc nghệ thuật thời Hậu Lê (thế kỷ 17). Trong “Hưng Yên tỉnh nhất thống chí” của Trịnh Như Tấu có ghi “Chùa Chuông – phố Hiến nổi tiếng danh lam”. Năm 1992, chùa Chuông đã được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật.

3. Kiến trúc chùa

Quần thể kiến trúc chùa Chuông có bố cục hài hòa, theo kiểu “Nội công ngoại quốc”, bao gồm các hạng mục: Tam quan, Tiền đường, Thượng điện, nhà Tổ, nhà Mẫu, lầu chuông và 2 dãy hành lang… Mặt tiền chùa quay hướng Nam, đó là hướng của “Bát Nhã” và “Trí Tuệ”.
Các công trình chùa Chuông nằm cân xứng trên trục nối từ Tam quan đến nhà Tổ. Cổng Tam quan xây theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, có các họa tiết, hoa văn trang trí như hình rồng đắp nổi, bức phù điêu về thầy trò Đường Tăng đi lấy kinh ở Tây Trúc…

Qua cổng Tam quan là tới cây cầu đá xanh được dựng vào năm 1702, bắc qua ao mắt rồng. Nối tiếp là con đường độc đạo được lát đá xanh dẫn thẳng đến Tiền đường, theo quan niệm nhà Phật là con đường chân chính dẫn dắt con người thoát khỏi bể khổ.


Tiền đường có quy mô 5 gian 2 chái, kiến trúc theo kiểu con chồng đấu sen. Tiếp đến là khoảng sân nhỏ, giữa sân có cây hương đá còn gọi là “Thạch trụ”, trên bốn mặt có khắc chữ Hán ghi công đức của nhân dân đóng góp tu sửa chùa Chuông.


Thượng điện cũng gồm 5 gian 2 chái, kết cấu giống Tiền đường. Bên trong được bài trí nhiều pho tượng được tạo tác công phu như: tượng Tam Thế, các vị Bồ Tát, Văn Thù, Phổ Hiền, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Phật Thích Ca, Phật A Di Đà.


Qua Thượng điện là tới hai dãy hành lang đối xứng nhau, có đặt rất nhiều tượng được xếp theo thứ tự. Đầu tiên là nhóm tượng phác họa về động “Thập điện Diêm Vương” diễn tả cảnh nhục hình mà con người phải trải qua nơi âm giới theo triết lý nhân quả của nhà Phật.

– Tiếp đến là tượng Bát Bộ Kim Cương, sau là “Thập Bát La Hán” với 18 vị được tạo tác rất biểu cảm trên từng nét mặt. Cuối dãy hành lang là tượng Đức Ông, đứng cạnh có Già Lan – Chân Tể và tượng Đức Thánh Hiền, đứng cạnh có Diệm Nhiên – Đại Sỹ.
Trong chùa Chuông còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như hoành phi, câu đối… đặc biệt là tấm bia đá “Kim Chung Tự thạch bi ký” được dựng vào năm Vĩnh Thịnh thứ 7 (1711). Trên bia ghi danh những người công đức, và mô tả Phố Hiến thời hưng thịnh.

4. Truyền thuyết của chùa Chuông

Tương truyền vào một năm đại hồng thủy, có một quả chuông vàng trên một chiếc bè trôi vào bãi sông thuộc địa phận thôn Nhân Dục, tổng An Tảo, huyện Kim Động, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên xưa (nay thuộc phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên). Các nơi đua nhau kéo chuông về địa phương mình nhưng không được. Chỉ có những bô lão thôn Nhân Dục mới kéo được chuông. Dân làng cho là trời Phật giúp đỡ bèn góp công của dựng chùa, xây lầu treo chuông. Mỗi lần đánh chuông, tiếng vang xa hàng vạn dặm. Do vậy chùa có tên chữ là Kim Chung Tự (chùa chuông vàng), thường gọi là chùa Chuông.

Tóm lại, chùa Chuông là ngôi chùa cổ và có kiểu kiến trúc vô cùng độc đáo tại đất Phố Hiến. Ngoài ra chùa còn có truyền thuyết vô cùng nổi danh. Bên cạnh chùa Chuông ở thành phố Hưng Yên còn có chùa Nôm. Cả hai ngôi chùa đều là ngôi chùa cổ của Việt Nam đang cần gìn giữ và trùng tu kiểu kiến trúc cổ mà ít nơi có được. Cuối cùng, chúng tôi xin được chúc quý độc giả một buổi tối an vui và hạnh phúc.

Bài viết liên quan