Chùa Chén Kiểu – Ngôi chùa với lối trang trí kỳ lạ

Chùa Chén Kiểu ở đâu ?

Chùa Sà Lôn hay chùa Chén Kiểu  tọa lạc bên Quốc lộ 1, cách trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 12 km về hướng tỉnh Bạc Liêu. Nay thuộc xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, Việt Nam. wikipedia

Nếu bạn xuất phát từ thành phố Hồ Chí Minh,  khoảng cách 228km tới chùa sẽ mất 5 giờ đi xe để đến chùa Sà Lôn. Ban đi theo đường Quốc Lộ 1A hướng về phía thành phố Cần Thơ. Chùa Chén Kiểu nằm bên Quốc lộ 1A, chỉ cách thành phố Sóc Trăng chưa tới 12km. Bạn cũng có thể đi theo hướng dẫn Google Maps bên dưới:

Lịch sử hình thành

Chùa Chén Kiểu còn có tên tiếng Khmer là Wath Sê Rây Sóc Khum Song Kum Miên Chi Sro Lôn. Chùa được bắt đầu xây dựng vào năm 1815. Ban đầu chùa được dựng lên bằng cây, lá đơn sơ. Trải qua thời gian lịch sử và do bom đạn chiến tranh tàn phá nên chùa bị hư hại nặng. Tới năm 1945, được sự đóng góp của nhân dân và phật tử, Hòa thượng Tăng Dúch đã đứng ra tiến hành xây dựng lại chùa. Đến năm 1985, Hòa thượng Tăng Dúch khi viên tịch, Hòa thượng Quách Mến lên làm trụ trì, hòa thượng  tiếp tục cho tu sửa và xây dựng thêm một số công trình và khánh thành vào năm 1989. Do trong quá trình xây dựng thiếu kinh phí, chùa đã dùng chén, đĩa kiểu đập vỡ để trang trí cho ngôi chánh điện. Và từ đó có tên gọi “Chùa Chén Kiểu”.

Kiến Trúc chùa Chén Kiểu

Chùa Sà Lôn mang nét đẹp đặc trưng kiến trúc của những ngôi chùa Khmer. Cổng chùa có xây 3 ngôi tháp, ở tháp chính giữa có màu vàng theo truyền thống của kiến trúc Khmer, bên trong tháp đặt một pho tượng Phật. Tường xung quanh chùa được tô điểm, trang trí hình các tiên nữ Apsara múa, tượng trưng cho việc thái bình, no ấm. Lối vào trong chùa đặt hai hàng tượng thần Kâyno: bức tượng có khuôn mặt tiên Apsara còn thân hình là của chim thần Garuda. Sự kết hợp hình tượng này mang ý nghĩa về sắc đẹp vĩnh hằng và sức mạnh.

Ngôi chính điện chùa có dạng tam cấp, các nếp mái nhỏ dần lên tới đỉnh chóp . Mái trước chính điện được trang trí tỉ mỉ với nhiều họa tiết và màu sắc sặc sỡ. Đặc biệt tường sau của chính điện được trang trí bằng các mảnh chén, đĩa kiểu vỡ công phu , gây ấn tượng với du khách khi tham quan. Bên trong gian chính điện đặt một bàn thờ Phật Thích Ca. Bên cạnh bàn thờ Phật Thích Ca có tới 20 tượng phật lớn nhỏ với nhiều tư thế  khác nhau. Điều đặc biệt là tất cả các bức tượng Phật ở đây đều quay mặt về hướng đông. Trong quan niệm tôn giáo của người Khmer ở Nam Bộ, Phật ngự ở phía Tây nhìn về hướng Đông là để ban phúc cho chúng sinh. Nghệ thuật kiến trúc độc đáo mang giá trị tâm linh của người Khmer làm cho ngôi chùa ngày càng nhiều du khách về đây chiêm bái.

Nét đẹp kiến trúc chùa Chén Kiểu còn nằm ở trên 16 hàng cột chống mái, được trang trí hoa văn sặc sỡ, hai bên tường vẽ tranh về cuộc đời của Phật Thích Ca. Ở giữa sân chùa có một cột cờ rắn thần Nagar xòe 5 đầu, được xây dựng theo điển tích rắn xòe đầu che mưa cho Phật Thích Ca. Trong truyền thống người Khmer tin rằng tổ tiên mình là mẹ rắn, cho nên biểu tượng rắn thường xuất hiện trong những ngôi chùa của người Khmer.  Vườn Phật Thích Ca nằm ngay phía sau chùa. Trong vườn có rất nhiều tượng Phật mô phỏng cho cuộc đời Phật Thích Ca: từ lúc ra đời, đếb tìm chân lý, giác ngộ rồi tới khi nhập cõi Niết-bàn. Bên cạnh đó, chùa Sà Lôn cũng là nơi lưu giữ lại những hiện vật, những tác phẩm điêu khắc gỗ quý hiếm. Trong số đó nổi bật nhất là phần gia sản của công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy bao gồm: tủ cẩn xà cừ, trường kỷ, 2 chiếc giường ngủ…

Khuôn viên chùa rất rộng và nhiều cây xanh cũng là điểm nhấn đắt giá thu hút du khách. Du khách đến đây tham quan đều yêu thích không gian yên tĩnh, mát mẻ, trong lành. Sau khi đi tham quan, chiêm bái bên trong chùa nếu du khách muốn mua quà về cho bạn bè người thân thì ngay trong khuôn viên chùa Chén Kiểu có một khu chợ nhỏ, nằm giữa vườn cây xanh. Chợ chủ yếu bày bán rau, quả, bánh kẹo và các đặc sản tự sản xuất tại địa phương, rất an toàn cho du khách chọn mua làm quà.

Hiện vật của Công tử Bạc Liêu

Bên trong chùa hiện nay còn lưu giữ một số đồ gỗ mà nhà chùa mua lại được trong phần gia sản của “Công tử Bạc Liêu”năm vào 1947. Trong đó có chiếc tủ cẩn xà cừ, bộ trường kỷ và 2 chiếc giường. Tất cả đồ gỗ đều được chạm, khắc,  khảm rất tinh tế… Ngoài ra, trong chùa cũng lưu giữ một bộ đồ gỗ khác điêu khắc gỗ tinh xảo không kém.

Đến đây bạn không chỉ có cơ hội tham quan, chụp ảnh, khám phá lịch sử ngôi chùa mà còn có thể đến thăm nhà thờ Đại Tâm ở gần đó. Nếu bạn đi  hành hương thì có thể tới vãn cảnh ở chùa Dơi, chùa Phước Lâm,chùa Đất Sét, chùa Quang Âm Linh Ứng… đây cũng là những ngôi chùa rất đẹp ở Sóc trăng được nhiều du khác chiêm bái.

Lưu ý khi đi chùa Chén Kiểu

  • Tới chùa nên anh mặc đơn giản kín đáo lịch sự.
  • Thay vì mải mê chụp ảnh bạn nên thành tâm,
  • Không tùy ý đụng, chạm hay lấy bất cứ đồ vật nào trong chùa khi không được sự cho phép của nhà chùa.
  • Không dẫm đạp lên cây cối, hoa cỏ hay bàn ghế trong chùa. Vứt rác đúng nơi quy định để tránh làm ô nhiễm môi trường.
  • Nên xin phép trước với ban quản lý nhà chùa để được sự đồng ý nếu muốn quay phim, chụp hình.

 

Bài viết liên quan