Chùa Bái Đính, chùa Tam Chúc, chùa Ba Vàng,… từng gây nhiều tranh cãi vì quy mô đồ sộ bậc nhất Việt Nam. Nhiều người cho rằng xây chùa lớn, đúc tượng to là đi ngược với với giáo lý nhà Phật. Tuy nhiên, cách đây gần 1000 năm vào thời Lý, khi Phật Giáo là Quốc giáo, đã từng có vô số ngôi chùa được xây dựng với quy mô đồ sộ chỉ với kết cấu gỗ.
Vương triều Lý (1009-1225) được xem như là giai đoạn mở đầu cho thời kỳ hưng thịnh lâu dài của phong kiến Việt Nam về chính trị – kinh tế cũng như về văn hóa – nghệ thuật. Sau một nghìn năm Bắc thuộc, nhà Lý quyết tâm xây dựng một nền độc lập lâu dài với một niềm tự hào tự tôn dân tộc, với khát vọng Ðại Việt cũng có thể sánh ngang hàng với Ðại Ðường, Ðại Tống ở Trung Hoa.
Theo Ðại Việt sử ký toàn thư thì thời ấy, nhân dân “lũ lượt đi ở chùa”. Mọi người làm việc gì cũng nghĩ đến sự phù trợ của Ðức Phật. Sử cũ mô tả những ngôi chùa hết sức bề thế, uy nghiêm, trong khi cung điện của triều đình thì mô tả sơ sài. Rõ ràng là thời ấy, kiến trúc Phật giáo có vị trí quan trọng và nổi trội hơn cả các công trình kiến trúc khác. Tuy nhiên, ngày nay nói đến những ngôi chùa thời Lý ta chỉ còn hình dung qua nền móng và các thư tịch cổ để lại, vì không có công trình nào còn lại nguyên vẹn. Cùng Thắng cảnh Việt Nam khám phá các ngôi chùa dưới đây nhé :
Mục lục
1. Chùa Diên Hựu và Liên Hoa Đài
Chùa được vua Lý Thái Tông cho xây dựng vào mùa đông năm 1049. Theo dân gian tương truyền thì trong 1 đêm nằm mơ, vua Lý Thái Tông đã mơ thấy Phật Bà Quan Âm đang tọa thiền trên tòa sen tỏa ra hào quang, dắt vua lên đài ngồi cùng. Sau khi thức giấc vua liền kề với các quan đại thần nghe. Và được nhà sư Thiền Tuệ hãy xây dựng lại trụ đá như trong mơ, làm thành tòa sen cho Phật Bà Quan Âm tọa thiền.
Liên Hoa Đài xưa được dựng trên cột đá cao cả chục mét, vươn lên giữa hai hồ Linh Chiêu và Bích Trì, như hình bông sen nở ngàn cánh, trong chùa có tượng mình vàng, có cầu vồng bắc lên chùa. Ðặc biệt chùa có quả chuông lớn, chuông Quy Ðiền nặng đến nỗi không thể treo được, phải đặt dưới đất. Sau được mệnh danh là một trong bốn “An Nam tứ đại khí.
2. Chùa Báo Thiên, Hà Nội
Chùa Báo Thiên tên đầy đủ là Sùng Khánh Báo Thiên Tự , từng là một ngôi chùa cổ kính, tráng lệ, đồ sộ vào bậc nhất trong lịch sử Việt Nam.Được xây dựng vào năm 1056, dưới triều đại của Hoàng đế Lý Thánh Tông, trong chùa có Tháp Báo Thiên là một trong “An Nam tứ đại khí”.
Tháp Báo Thiên 12 tầng, cao vời vợi, in bóng hồ Lục Thuỷ, có chóp làm bằng đồng, được xây dựng 1 năm sau khi xây dựng xong chùa. Trong chùa và tháp có rất nhiều hiện vật bằng đồng như Đại hồng chung, tượng Phật, thiền trượng, giới đao hộ pháp nhà Phật…
Năm 1427, khi quân Minh xâm lược bị vây khốn trong thành Đông Quan (tức Hà Nội), chúng cố thủ để chờ quân tiếp viện, đã đến chùa cướp phá tàn bạo: tốc chóp tháp đồng, nấu chảy đại hồng chung và tất cả những gì bằng đồng, bằng kim loại để làm vũ khí.
3. Chùa Dạm, Bắc Ninh
Cùng với kiến trúc chùa Phật Tích, chùa Dạm (Quế Võ, Bắc Ninh) được xây dựng năm 1086, trên núi Dạm.
Ngôi chùa cũng gồm bốn lớp nền ăn sâu vào triền núi, mỗi lớp có chiều cao khoảng 5-6 m. Với diện tích rộng gần 8.000 m2, bề mặt của mỗi lớp rộng khoảng 65 m và chiều sâu của bốn lớp khoảng 120 m.
Ngôi chùa bề thế đến mức Trần Nhân Tông khi đi vãn cảnh chùa đã viết:
“Bức tranh kiến trúc mười hai lớp
Mắt thấy thiên nhiên rộng vạn lần”
Tiếc rằng ngôi chùa bề thế đó ngày nay chỉ còn lại các nền móng, song vẫn có thể hình dung về quy mô của nó. Trong dân gian vẫn còn giai thoại kể về câu ca “Trăng mười tám đóng cửa chùa Dạm” rằng, dân thôn Tự Môn mỗi khi cùng nhà chùa đóng cửa, thì kể từ tiếng trống thu không điểm đến lúc trăng mười tám mọc mới đóng xong hết cửa chùa.
4. Chùa Quỳnh Lâm, Quảng Ninh
Theo các nhà nghiên cứu, qua các tài liệu thư tịch, trong đó có cả bia chùa thì chùa Quỳnh Lâm được xây dựng dưới triều vua Lý Thần Tông (1116-1138). Người có công lớn trong việc tạo dựng ngôi chùa là quốc sư Nguyễn Minh Không (1076-1141).
Trong chùa có pho tượng Phật Di Lặc thời Lý cao 6 trượng (một trượng xấp xỉ 3,3 m, tức là pho tượng cao khoảng 20 m). Là một trong “An Nam tứ đại khí”.
Pho tượng lớn đến nỗi người ta phải xây dựng một tòa điện cao 7 trượng (khoảng 23,5 m) để đặt tượng. Chính vì chiều cao, độ lớn của tượng và điện chứa tượng nên tục truyền rằng, đứng phía nam thị xã Đông Triều, cách chùa Quỳnh Lâm ước chừng 10 dặm, vẫn còn thấy nóc điện che sát đầu pho tượng.
Trong dân gian còn lưu truyền câu ca:
“Nức tiếng Quỳnh Lâm cõi xứ Đông
Tháp cao chín đợt màu mây ám
Chùa rộng trăm gian gác ngựa hồng
Trước điện thông reo cùng trúc hóa
Trong am khánh đá với chuông đồng…”
Chắc hẳn trong câu ca này hàm ý đến tòa điện đặt pho tượng khổng lồ trên. Sau đó không rõ tượng mất khi nào, có thể tượng bị mất cùng với ba thứ kim khí lớn khác khi quân Minh xâm lược nước ta.
5. Chùa Phật Tích, Bắc Ninh
Chùa Phật Tích (Phượng Hoàng, Từ Sơn, Bắc Ninh) với tên chữ Vạn Phúc tự xây dựng năm 1057 gắn liền với truyền thuyết một tòa tháp cao chọc trời khi vỡ hiện ra pho tượng mình vàng uy nghi.
Chùa được xây dựng với bốn cấp nền ăn sâu vào triền núi, mỗi lớp nền cao từ 4 đến 5 m. Lớp đầu tiên là nền đất, có chiều rộng 60 m, và chiều sâu 100 m, ba lớp nền sau được bó đá với chiều rộng khoảng 60 m, chiều sâu khoảng 100 m và được gắn kết với nhau bằng các bậc cầu thang. Tháp chùa Phật Tích ước tính cao tới 36m.
6. Chùa Bà Tấm, Gia Lâm
Chùa Bà Tấm được xây dựng từ thời nhà Lý. Sự ra đời của ngôi chùa gắn với Nguyên phi – Hoàng thái Hậu Ỷ Lan – một nhân vật nổi tiếng của vương triều nhà Lý. Chùa này vốn do bà lập ra, bà là con gái làng này, lấy vua Lý Thánh Tông. Bà được dân gian gọi là bà Tấm – là hiện thân của lòng bao dung, đức độ và những điều tốt lành.
Tương truyền chùa có bậc cửa ra vào rộng 12 m, thượng điện rộng đến 60m.
Vào năm 1117, khi Bà qua đời, ngôi đền thờ Bà cũng được xây dựng.
Hiện nay, chùa còn lưu giữ nhiều di vật quý mang ý nghĩa lịch sử – văn hóa như là 2 tượng sư tử (bệ thờ), kích thước rất lớn, tạo bằng đá liền khối cao 1,2m rộng 1,36m trong tư thế phủ phục, đường nét đặc biệt mềm mại. Sư tử ở đền Ỷ Lan đang vờn hòn ngọc, trên trán có trổ chữ Vương khẳng định vị trí chúa tể muôn loài, đồng thời cũng thể hiện uy quyền của vương triều.
7. Chùa Hương Lãng, Hưng Yên
Tương truyền, chùa Hương Lãng do Thái hậu Ỷ Lan cho xây dựng vào thời Lý, khoảng năm 1115.
Được mở rộng qua nhiều triều đại, chùa Hương Lãng từng có quy mô lớn, diện tích nội tự 40.000m2, với bố cục kiến trúc kiểu “nội công ngoại quốc”. Bao gồm, cổng tam quan với ba lối vào, bậc tam cấp dẫn lên một nền phẳng. Chùa được chia thành ba cấp, cấp thứ ba là khu chính. Nơi đây, là một khu gồm nhà tăng, nhà hội đồng, Phật điện.
Đáng tiếc rằng trong kháng chiến chống Pháp, chùa đã bị phá huỷ. Các điện thờ của chùa hiện nay đều được xây lại sau năm 1954.
Nổi bật trong số các tác phẩm điêu khắc của chùa là tượng sư tử đá, hay còn gọi là tượng ông Sấm, được đặt ở hậu cung. Bức tượng được tạo hình từ một tảng đá nguyên khối, thể hiện linh vật sư tử trong tư thế phủ phục trên bệ đá, tượng đội tòa sen tạo thành bệ đá lớn. Bệ đá hoa sen này có tổng chiều dài 4,2m, rộng 3,5m, cao 1,15m được ghép bằng các viên đá vuông chạm hình hoa sen mềm mại, các khối nổi trên bề tượng hầu như không có góc cạnh gồ ghề, tất cả đều nhẵn, êm và chau chuốt, không có chỗ ngắt nhịp đột ngột. Đây là đặc trưng riêng của nghệ thuật điêu khắc thời Lý.