Chùa Thiên Ấn và sự tích thần kỳ giếng Phật

Bên cạnh dòng sông Trà nhẹ nhàng trôi có một ngôi chùa ngự tọa đằng đẵng nhiều thế kỉ, không ai khác đó chính là ngôi chùa Thiên Ấn ở Quảng Ngãi. Ngôi chùa nằm bên phố xá, xóm làng, ruộng đồng tạo nên một không cảnh nên thơ trữ tình. Ngoài ra, chùa Thiên Ấn Sơn Tịnh còn có một cái giếng, cái giếng này rất nổi tiếng về sự thần kỳ và nó được gọi là giếng Phật. Đây là một trong những danh lam thắng cảnh ở Quảng Ngãi mà bạn nên ghé qua. Cùng Thắng cảnh Việt Nam tìm hiểu rõ hơn về ngôi chùa này nhé.

1. Chùa Thiên Ấn ở đâu?

Chùa Thiên Ấn còn có tên là Chùa Thiên Ấn Sơn Tịnh tọa lạc trên núi Thiên Ấn, thuộc xã Tịnh Ấn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Chùa nằm phía Bắc sông Trà Khúc, cách thị xã Quảng Ngãi khoảng 3 km. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông. Để đến chùa bạn có thể xem thêm hướng dẫn Google Maps bên dưới:

Lịch sử hình thành chùa Thiên Ấn

Chùa Thiên Ấn được khởi công xây dựng vào năm 1694 và hoàn thành vào cuối năm 1695 (năm Chính Hòa thứ 15, đời chúa Nguyễn Phúc Chu ở Đàng Trong). Tổ khai sinh chùa là thiền sư Pháp Hóa (1670 – 1754), tục danh Lê Diệt, hiệu Minh Hải Phật Bảo, gốc người tỉnh Phúc Kiến, Trung Hoa, thuộc dòng thiền Lâm Tế.

Lúc đầu chùa chỉ là một thảo am tĩnh mịch, sau đó được dần trùng tu mở rộng thu hút được nhiều Tăng Ni Phật tử và trở nên nổi tiếng.
Năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1717, đời vua Lê Dụ Tông), chúa Nguyễn Phúc Chu đã ban cho nhà chùa biển ngạch Sắc Tứ Thiên Ấn Tự. Tấm biển này sau đó bị hư hại và được thiền sư Hoàng Phúc tái tạo vào năm 1946. Từ khi khai lập đến nay, chùa đã có 15 đời sư trụ trì, trong đó có 6 vị được suy tôn là sư tổ, gọi chung là lục tổ.

Chùa cũng đã trải qua 5 lần trùng tu, vào các năm 1717, 1827, 1910, 1918, 1959. So với các ngôi chùa cổ trong Nam ngoài Bắc, kể cả chùa Ông Thu Xà, chùa Thiên Ấn không nổi bật lắm về kiến trúc nội thất, trừ nhà phương trượng được xây dựng theo kiến trúc nhà rường, vốn là bộ khung mua lại của đình làng Phú Nhơn. Bù lại, chùa được xây dựng ở một vị trí có một không hai, đó là đỉnh đồi Thiên Ấn – một thế đất thiêng trong tâm tưởng của người dân Quảng Ngãi.

Kiến Trúc

Kiến trúc Chùa Thiên Ấn đơn giản, gồm cổng tam quan, cổng điện, nhà phương trượng được dựng theo kiểu nhà rường, và các hạng mục Phật giáo như: bảo tháp 9 tầng, tượng phật bồ tát… cùng khu vườn thượng uyển xinh tươi.

Trong khuôn viên chùa còn có giếng cổ sâu hun hút, được đào qua nhiều năm liền, tục gọi Giếng Phật. Chùa Thiên Ấn còn có quả chuông lớn thỉnh về từ làng đúc đồng Chí Tượng năm 1845, dưới triều vua Thiệu Trị, tục gọi Chuông Thần. Thủ khoa Phạm Trinh từng viết: “Giếng Phật mạch sâu mùi nước ngọt – Chuông Thần đêm vắng giọng đưa thanh”.

Phía đông chùa, nằm bên hàng cây đại thụ là khu viên mộ với những ngôi bửu tháp được xây dựng nhiều tầng theo số lẻ (5 – 7 – 9), mang hình hoa sen, là nơi an táng các vị sư tổ và thiền sư trụ trì chùa.

Phía tây nam chùa là phần mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng, được kết hợp giữa kiến trúc hiện đại và lăng mộ truyền thống Đông phương nên vừa đơn giản, vừa trang trọng, gắn bó hài hòa với tổng thể cảnh quan chùa Thiên Ấn.

3. Sự tích giếng Phật chùa Thiến Ấn

Sự tích kể rằng, trước đây, gần 3 thế kỷ, chưa có chùa Thiên Ấn, nơi đây là một hòn núi hình thang với trên 360 ha. Cảnh núi rất linh thiêng hùng vĩ chim kêu vượn hót, âm u tịch mịch. Người bình thường khi đặt chân lên hòn núi này phải rùng mình trước cảnh linh thiêng hùng vĩ của núi Hó. Nơi đây rất nhiều cọp và thú rừng, không người vãng lai, thỉnh thoảng mới có ít dân làng lân la đốn củi.


Cho đến năm 1670 có một vị Thiền sư tên là Lê Diệt, Pháp danh Minh Hải, Pháp tự Phật Bảo, hiệu Pháp Hóa; sinh ra và lớn lên tại tỉnh Phúc Kiến,Trung quốc, thuộc dòng thiền Lâm Tế. Thiền sư sang Việt Nam và xây ngôi chùa tại Hội An tên chùa là Chúc Thánh và sau đó sư đến Quảng Ngãi nơi hòn núi Hó này xây một cái am nhỏ bằng cỏ, tu thiền ở đây. Hằng ngày Thiền sư chỉ ăn lá cây và củ rừng; ngồi thiền tu niệm và tu theo hạnh Đầu Đà (khổ hạnh) ăn một bữa. Sau một thời gian tu hạnh khá lâu, một hôm được chư thiên mách bảo sẽ có một đoàn người đến đây. Họ là những tiều phu đốn củi. Họ mới đến sườn núi của phiá Đông Nam, bất chợt phát hiện một hang nước trong vắt, đoàn người dừng lại uống nước, và khám phá thêm một con đường mòn dẫn họ lên đỉnh ngọn núi nơi có vị Thiền sư tọa thiền. Đó là mở đầu cho nhân duyên bắt nhịp giữa Thiền sư và đoàn người đốn củi mở ra con đường tâm linh sùng kính đạo Phật cho đến ngày nay.

Gặp Thiền sư tỏa sáng trong một hình hài khác phàm. Đối với đoàn người như gặp được một điều gì rất linh thiêng, họ xem Thiền sư như một vị Phật, vị Bồ Tát. Có cái gì đó thu hút họ như nam châm. Họ ở lại kề cận bên sư, cùng sư trò chuyện, không muốn đi đâu nữa chỉ để ngồi nghe sư thuyết pháp về đời sống tâm linh tu hành đạt đạo giải thoát. Nhưng chiều tối đoàn người phải trở về vì nơi đây rất nhiều cọp, thú dữ. Cọp dưới đồng ruộng sau khi ăn uống no nê tối thường lại về núi, ngày lại xuống núi. Một câu hỏi đặt ra, sao cọp không ăn thịt vị Thiền sư? Thiền sư khi công đức tu hành đắc đạo, bằng cái tâm từ bi vĩ đại phát ra oai lực lớn, phước đức lớn, không những bị chúng ăn thịt mà trái lại có thể cảm hóa cọp rắn beo phủ phục dưới chân mình.


Khi đoàn đốn củi xuống núi, trở về làng mạc, họ truyền miệng phát họa về một vị tu sĩ như một vị Phật, vị Bồ Tát linh thiêng để rồi dần dần một đồn mười, mười đồn trăm, trăm đồn ngàn…cứ thế dân làng tò mò lũ lượt lên núi đảnh lễ vị Thiền sư, nghe sư giảng Pháp.
Số lượng người càng ngày càng đông. Dòng nước trong vắt khám phá hôm nào trên con đường mòn khúc khuỷu vừa cheo leo vừa hiểm trở dẫn lên núi cũng theo đó càng ngày càng vơi không đủ cung cấp cho dân làng. Sự khó khăn vất vả đưa nước dưới đồng ruộng lên núi đã là nguyên do để Thiền sư phát nguyện đào giếng.


Một ngày đẹp trời nọ, khi mà vầng dương đang tỏa xuống vạn vật những tia nắng ấm, chiếu xen qua kẽ lá như phóng hào quang. Bầu trời xanh biếc, mây trắng lững lờ trôi. Trong rừng, chim muông líu lo cất tiếng hót thường nhật, vài con tắc kè nằm trong những bọng cây cũng cất tiếng kêu tắc kè…tắc kè…, kỳ nhông kỳ đà thỉnh thoảng cũng trườn mình xuất hiện góp phần vào khung cảnh thiên nhiên, vượn hú từ xa vọng lại cũng tạo nên một âm thanh vô cùng sôi động, Thiền sư bắt tay đào giếng. Khi đào được 10 mét, tự nhiên xuất hiện một tăng trẻ ở đâu không ai rõ, đầu đội nón, vai đeo túi nải đến xin Thiền sư tá túc ở lại làm công quả giúp Thiền sư đào giếng.
Hai thầy trò miệt mài đào mãi ngày này qua tháng khác, đã sâu tới 24 mét, nước đâu không thấy mà dưới đáy chỉ xuất hiện toàn tảng đá bàng, rất dày, càng đào cũng chỉ là đá bàng, từng khối cứng ngắc. Biết dã tràng xe cát biển Đông, Thiền sư vô cùng thất vọng, bỏ cuộc. Thiền sư trở về thảo am chú nguyện 7 ngày 7 đêm. Đêm thứ 7 mơ màng thấy có một vị Bồ Tát xuất hiện nói sư nên đào giếng phía Tây Bắc, đào chừng 8 mét khi thấy một cái hườm (cái hóc lõm vào), đó là dấu hiệu chọn đúng nơi đào giếng, sẽ có nguồn nước. Mừng quá, sáng dậy, sư kể cho vị tăng trẻ nghe giấc chiêm bao vừa qua, rồi cứ thế hai thầy trò bắt đầu thực hiện.

Đúng như giấc chiêm bao, chỉ đào đúng 8 mét thì phát hiện cái hườm. Biết là đã tìm thấy đúng chỗ, sư nói tăng trẻ đi lên để sư xuống đóng một cái cọc làm dấu. Cái cọc đó nối trên miệng giếng với một cây cọc nữa bằng sợi dây rừng. Cây cọc bên trên gắn một cái chuông để khi lắc dây rừng sẽ phát ra tiếng chuông báo động. Còn trục gỗ sẽ đưa cát lên. Thiền sư dặn đệ tử khi nào có nước rung cái dây cho biết, đồng thời đứng trên bệ xúc cát để Thiền sư kéo lên. Khi tăng trẻ đào được 21 mét, Thiền sư đứng trên bờ theo dõi, đợi mãi chưa thấy động tịnh gì, mệt mỏi, Thiền sư ra ngoài nghỉ xả hơi, chỉ một lát trở lại nhìn xuống giếng đã thấy nước mênh mông lai láng. Mừng quá, Thiền sư kéo nước lên, uống vài ngụm mát rượi, quên mất dưới đáy giếng còn sót vị tăng trẻ. Thiền sư cho người xuống kiếm, thì chẳng thấy đâu. Quá đổi ngạc nhiên, Thiền sư nghĩ đây là do Chư thiên cử “Thần„ đến giúp sư đào giếng. Vì vậy, khi nước đào thấy thì…Thần cũng biến mất, không còn nghe tăm hơi gì nữa cả. Câu chuyện kỳ lạ, tiếng đồn vang khắp vùng lan truyền đến cả triều đình đời vua Lê Dụ Tông. Chúa Nguyễn Phúc Chu, người rất mộ đạo Phật thỉnh Thiền sư về cung rồi sắc phong cho nơi này là Sắc Tứ Thiên Ấn Tự
Từ đó, Thiền sư về lại núi rồi vào Bình Định cùng với Thiền sư Nguyên Thiều khuyến tấn sơn môn mở rộng đạo tràng. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và muôn ngàn dâu bể phế hưng, từ lớp lớp đến lớp lớp, sư tổ đã để lại nơi đây nhiều kỷ vật thân yêu là cái giếng thần và thảo am ngày xưa chính là ngôi đại tự bây giờ.

Bài viết liên quan