Chùa Ngọc Hoàng – Ngôi chùa linh thiêng tại Sài Gòn

Chùa Ngọc Hoàng ở đâu?

Chùa Ngọc Hoàng, hay còn gọi là Điện Ngọc Hoàng (Phước Hải Tự) tọa lạc tại số 73, đường Mai Thị Lựu, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Sau thời gian dài của lịch sử, chùa Ngọc Hoàng tại đường Mai Thị Lựu ngày càng được biết đến. Hiện nay đã trở thành một địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại Sài Gòn. Ngôi chùa gây dấu ấn trong lòng người dân thành phố và khách du lịch phương xa với sự linh thiêng. Nơi đây được xem là chốn cầu con, cầu duyên và cầu bình an. Cùng  Thắng cảnh Việt Nam khám phá ngôi chùa này nhé !

Chùa Ngọc Hoàng đón khách hành hương và tham quan từ 7h đến 17h30 tất cả các ngày trong tuần. Vào ngày mùng 1 và ngày rằm hàng tháng, chùa mở cửa sớm hơn và đóng cửa trễ hơn một chút do lưu lượng người đến viếng chùa đông hơn.

Nếu tới đây bạn có thể đi theo Google Maps bên dưới :

Lịch sử hình thành Chùa

Chùa Ngọc Hoàng hay còn gọi là chùa Phước Hải Tự. Ngôi chùa vốn là điện thờ Ngọc Hoàng Thượng đế do một người tên Lưu Minh (người Quảng Đông, Trung Quốc) xây dựng vào khoảng đầu thế kỉ 20 theo kiểu kiến trúc Trung Hoa. Sau này, vào năm 1982, ngôi chùa được tiếp quản bởi hòa thượng Thích Vĩnh Khương và chính thức thuộc về Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đến năm 1984 thì điện được đổi tên thành Phước Hải Tự. Tuy nhiên, người dân vẫn quen gọi là Ngọc Hoàng bởi khu chánh điện là nơi thờ Ngọc Hoàng theo tín ngưỡng người Hoa.

Kiến trúc chùa

Chùa Ngọc Hoàng là một ngôi chùa cổ, làm theo kiểu đền chùa Trung Hoa với mô típ trang trí rực rỡ. Chùa sử dụng gạch nung trong xây dựng với mái lợp ngói âm dương, bờ nóc, góc mái đều có tượng màu trang trí, đây chính là những điểm nổi bật nhất của phong cách kiến trúc này.  Trong chùa có nhiều tác phẩm nghệ thuật: tranh thờ, tượng thờ, bao lam, liễn đối, hương án… bằng các chất liệu: gỗ, gốm, giấy bồi.

Khác với vẻ ngoài cổ kính, bên trong các điện ngày nay đã được trùng tu đôi phần. Bên cạnh việc giữ lại những đặc trưng kiến trúc cổ, hoa văn, họa tiết chùa được trang trí rực rỡ khiến vẻ đẹp ở đây vô cùng thu hút.

Khuôn viên chùa rộng khoảng 2.300 m2. Phía trước có ngôi miếu nhỏ đặt tượng Hộ pháp. Cổng tam quan nổi bật với những đường nét uốn lượn hình sóng nước của hai con rồng theo tư thế “tranh châu”. Giữa sân chùa rộng là một bể cá đủ loại, bên phải là bể rùa. Bể nào cũng đầy ắp cá, rùa nhiều con to quá cỡ. Chúng do những người đến khấn nguyện thả vào

Bên trong ngôi chùa gồm 3 tòa: Tiền điện, Trung điện và Chánh điện.Chính điện thờ Ngọc Hoàng Thượng đế, Huyền Thiên Bắc Đế với các thiên binh, thiên tướng.

Cầu gì khi đến chùa Ngọc Hoàng ?

1. Cầu Con

Đôi khi, bạn chỉ cần hỏi đến ngồi chùa cầu con ở Sài Gòn là sẽ được hướng dẫn ngay đến chùa Ngọc Hoàng. Chính vì thế nơi này còn có tên gọi chùa cầu con ở Sài Gòn.

Là một ngôi chùa cổ thờ Kim Hoa Thánh Mẫu và 12 bà mụ coi sóc việc sinh nở, chùa Ngọc Hoàng luôn là nơi được nhiều vợ chồng hiếm muộn gửi gắm mong ước con cái.

Du khách đến chùa Ngọc Hoàng cầu con được đeo vào cổ tay một sợi chỉ màu đỏ. Nếu cầu con trai thì khấn nguyện xong treo vòng chỉ vào các bức tượng bên phải, cầu con gái thì treo bên trái. Sau đó xoa vào bụng bà mụ 3 cái rồi xoa vào bụng mình 3 cái. Tiếp đến là xoa vào bụng tượng trẻ con dưới chân bà mụ 3 cái, rồi lại xoa vào bụng mình 3 cái nữa. Nếu ai đó khấn vái đạt được thành tựu viên mãn thì sau đó mua trái cây, nhang đèn, hoa tươi đến cúng tạ lễ Mẹ. Khi con đầy tháng thì mang xôi chè đến cúng lần nữa. Chỉ đơn giản vậy thôi chứ không cúng bái, tạ lễ gì phức tạp cả. Ngôi chùa Ngọc Hoàng này cũng nổi danh. Bởi sự linh nghiệm khi người dân thật lòng thành tâm và sống thiện lành thì đều được đáp trả xứng đáng.

2. Cầu Duyên

Ngoài nổi tiếng linh thiên về cầu con cái, cầu duyên ở chùa Ngọc Hoàng cũng được biết đến với nhiều nguyện vọng cầu duyên viên mãn. Nếu bạn đã đã có người trong lòng và mong muốn nên duyên vợ chồng có thể đến đây thành tâm cầu nguyện. Để cầu duyên, người đến cầu sau khi thắp hương, thành tâm khấn tên mình và tên người ấy, người khấn chỉ cần sờ vào tượng ông Tơ bà Nguyệt để xin tình duyên viên mãn. Thánh Mẫu sẽ thỏa ước nguyện, để ông Tơ, bà Nguyệt kết duyên tơ hồng

3. Cầu bình an, sức khỏe

Bên cạnh đường con cái và tình duyên, chùa Ngọc Hoàng còn nổi tiếng linh nghiệm trong việc cầu sức khỏe, bình an. Vào ngày sinh của Ngọc Hoàng Thượng Đế, mùng 9 tháng Giêng âm lịch hằng năm, chùa thường tổ chức lễ vía Ngọc Hoàng. Vào dịp này, lượng khách viếng chùa rất đông vì đây là một ngày đại lễ ban phúc lành lớn. Bạn có thể đến để cầu nguyện cũng như tham quan, tận hưởng không khí lễ hội tại đây.

Lưu ý khi đi chùa:

  • Chùa là nơi linh thiêng nên khi đến đây bạn không nên ăn mặc những trang phục quá màu mè và gây phản cảm làm mất đi tính trang nghiêm vốn có của chùa.
  • Đến chùa, bạn nên thành tâm cầu bình an và tận hưởng vẻ đẹp an lạc, linh thiêng thay vì mải mê chụp ảnh.
  • Không tùy ý đụng, chạm hay lấy bất cứ đồ vật nào trong chùa khi không được sự cho phép của nhà chùa.
  • Không dẫm đạp lên cây cối, hoa cỏ hay bàn ghế trong chùa. Vứt rác đúng nơi quy định để tránh làm ô nhiễm môi trường.
  • Nên xin phép trước với ban quản lý nhà chùa để được sự đồng ý nếu muốn quay phim, chụp hình.

 

Bài viết liên quan