An Hòa Tự- ngôi chùa phật giáo Hòa Hảo
Chùa An Hòa Tự ở đâu ?
An Hòa Tự chùa chánh, mang di tích lịch sử của đạo Phật Giáo Hòa Hảo, tọa lạc tại làng (xã) Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc. (Nay là thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang), mà tín đồ trong đạo thường gọi là Chùa Thầy. Cùng Thắng Cảnh Việt Nam khám phá ngôi chùa này nhé
Kiến trúc An Hòa Tự
Chùa được xây dựng trong một khuôn viên rộng 16.000 m2, cặp tỉnh lộ 954, cách bến phà Thuận Giang khoảng 800m. Kiến trúc theo lối chân phương truyền thống, 4 nóc mái; Chánh điện chính giữa cao, phần trước, sau thấp nhỏ hình chữ cơn, hậu tự một nóc hai mái xuôi nối liền chánh điện, cột gỗ, nền gạch, tường vôi, mái ngói, chiếm diện tích khoảng 300 m2, uy nghiêm hướng cửa về phía Nam.
Lễ hội tại chùa An Hòa Tự
Hằng năm những ngày sóc vọng, rằm nguơn, ngày đại lễ 18/5 âl – Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng Đạo Phật Giáo Hòa Hỏa và 25/11 âl – Đản sinh Đức Huỳnh Giáo Chủ, hàng triệu lượt người từ các nơi về đây dâng hương, chiêm bái vị hoạt Phật lâm phàm, và tỏ lòng kính ngưỡng chùa Thầy, coi đây là trái tim của Đạo.
Lịch sử hình thành chùa An Hòa Tự
Theo lời kể lại của các kỳ lão trong làng, chùa khởi thủy có ông Phạm Miên, sinh năm Đinh Sửu (1817) từ Cao Bằng miền Bắc vào Nam, định cư thôn Mỹ Lương, phủ Tuy Biên huyện Đông Xuyên, tỉnh An Giang. Năm Canh Tuất (1850) Ông vẹt lau, rẽ sậy dựng nơi đây một thảo am cột tre lợp tranh, với mục đích là vừa tu hành, vừa trị bịnh cho bá tánh. Ông có tạo một số vật dụng, phù phép để trị bịnh. Những bịnh tà, bịnh điên, bịnh nan y ông đều chữa khỏi nên dân chúng rất kính phục. Tháng mười năm Canh Tý (1900) Ông mất, thọ 84 tuổi.
Sau khi ông Miên mất, thảo am bỏ trống, năm Tân Sửu (1901) ông Thủ tọa Thình từ Mặc Cần Dưng đến ở. Thời gian ở đây ông Thình cất sửa am lại bằng cột gỗ, lợp lá rộng rãi hơn và thỉnh Phật bằng giấy về thờ, tạo chuông mõ để Ông tụng niệm, từ ấy dân làng gọi là chùa.
Tháng 8 năm Đinh Mão (1927) ông Thình mất, ông Yết Ma Thường (Lê Minh Thường) ở Mặc Cần Dưng lên thay thế. Đến năm Ất Hợi (1935), trải qua phong sương tuế nguyệt chùa hư dột, cây gỗ hư mục, ông Thường không có khả năng cất lại, nên Ông yêu cầu Hương chức trong làng đứng ra xây dựng và giao cho làng làm chủ.
Các hạng mục chùa An Hòa Tự
-
Chánh điện
Tiền đình trước kia chỉ có hai cửa hai bên, chính giữa chắn bít, bên trong có tượng Hộ Pháp đối diện ngôi Tam Bảo. Đức Ông cho mở cửa giữa rộng hơn hai cửa hai bên, dời tượng Hộ Pháp ra sát hàng rào trước sân chùa, xây ngôi thờ nhỏ có mái che hướng vào trong. Bên trong chánh điện các ngôi thờ vẫn giữ y, chỉ thêm vào mỗi ngôi thờ một tấm trần dà, tiêu biểu cho tinh thần vô thượng của Nhà Phật.
-
Hậu Tổ
Trước bằng cây gỗ, tre lá nay được đổi lại kiên cố bằng xi măng, sắt, mái lợp tole (đến năm 1965 lớp mái ngói). Sau khi trùng tu, các ngôi thờ vẫn giữ y vị trí cũ. Đặc biệt, Đức Ông cho viết bốn chữ “Bửu Sơn Kỳ Hương” màu đỏ bằng chữ Hán trong tấm hoành phi nền vàng, tôn trí phía trên trước ngôi thờ của Đức Phật Thầy. Đối diện là một tấm hoành phi nhỏ hơn, với bốn chữ Hán “Sơn Trung Ánh Chiếu” cũng chữ đỏ nền vàng.
-
Đông lang – Tây lang
Đông lang và Tây lang trước kia xây cất vừa, gọn, không tôn nền. Lần trùng tu này, Đức Ông cho phá dỡ xây dựng lại bằng cột gỗ căm xe, tường vôi, nền gạch, lợp ngói; bề mặt rộng rãi hơn và được trang trí một số bàn, ghế, tủ, vật dụng cần thiết để dùng và tiếp khách.
Đến khi Đức Ông, Đức bà qui tiên, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo vì nhớ công ơn cùng bởi lòng tôn kính song thân của Đức Giáo Chủ nên lập bàn thờ nơi Tây lang để thờ Đức Ông và Đức Bà như hiện nay.
-
Nhà khói và cảnh trí xung quanh
Trước khi trùng tu thì nhà khói bằng cây gỗ, mái lợp lá nối liền hậu tự. Đức Ông cho dời ra phía sau cất bằng cây săng, mái lợp tole, rộng rãi thoáng mát hơn, nhằm phục vụ cho những ngày lễ, tết, rằm ngươn; nhứt là đại lễ 18/5, để đồng đạo về đây có nơi ăn, chốn nghỉ.
Đức Ông cho khai thông con kinh cặp lộ trước chùa; đào ao lớn sau chùa, đúc bồn dự trữ nước sinh hoạt; xây dựng hàng rào và đúc cổng kiên cố để bảo quản. Về phía Đông, cách khoảng 50m có miếu Hội Đồng Thần bằng cây gỗ lợp ngói, Đức Ông cũng cho xây lại nền gạch, tường vôi. Còn cho trang trí, sơn sửa những nơi hư hoại và làm mới đẹp, sạch sẽ bên trong, bên ngoài nội tự.
Cùng ích lợi trong việc đào ao (rộng khoảng 1.000 mét vuông) chứa nước tiêu dùng, Đức Ông cho lấy đất này san lắp những nơi hầm hố loang lổ, sau đó được trồng sen và nuôi dưỡng một số linh qui.
Việc trùng tu An Hòa Tự kết quả mỹ mãn như ý muốn. Đức Ông còn tổ chức Ban Quản Tự để lo bảo quản chùa, và có đưa ra điều lệ cho Ban Quản Tự làm việc.
Năm Nhâm Tý (1972), lại tu bổ mở rộng hậu đường, nhà trú; láng xi măng mặt sân rộng ở ba phía do thủ bổn Hồ Nam Kinh và kiểm soát Trần Phú Nhẹ, thay mặt Ban Quản Tự, đốc công thực hiện.
Lưu ý khi đi chùa:
- Chùa là nơi linh thiêng nên khi đến đây bạn không nên ăn mặc những trang phục quá màu mè và gây phản cảm làm mất đi tính trang nghiêm vốn có của chùa.
- Đến chùa, bạn nên thành tâm cầu bình an và tận hưởng vẻ đẹp an lạc, linh thiêng thay vì mải mê chụp ảnh.
- Không tùy ý đụng, chạm hay lấy bất cứ đồ vật nào trong chùa khi không được sự cho phép của nhà chùa.
- Không dẫm đạp lên cây cối, hoa cỏ hay bàn ghế trong chùa. Vứt rác đúng nơi quy định để tránh làm ô nhiễm môi trường.
- Nên xin phép trước với ban quản lý nhà chùa để được sự đồng ý nếu muốn quay phim, chụp hình.
Theo dõi chúng tôi trên Facebook