Chùa Tam Chúc non nước hữu tình – Hà Nam
Chùa Tam Chúc ở đâu ?
Chùa Tam Chúc toạ lạc tại thị trấn Ba Sao, xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, cách trung tâm Hà Nội chỉ khoảng 60km. Đây được xem là ngôi chùa lớn nhất thế giới nằm trong khu du lịch tâm linh Tam Chúc với tổng diện tích gần 5000ha. Chùa Tam Chúc thờ các vị Sư Tổ Đạt Ma, thiền sư Nguyễn Minh Không, thiền sư Khuông Việt, hòa thượng Thích Thanh Tứ, thiền sư Đỗ Pháp Thuận… là các vị quốc sư có công phát triển Phật giáo Việt Nam
Đường đến Chùa Tam Chúc
Mình đi xe máy xuất phát từ Hà Nội lúc 8h00. Trên đường có ghé ăn sáng tại Phú Xuyên và đến Chùa Tam Chúc tầm 10h30. Đường đi khá dễ, cứ theo gg map đi thôi ạ, team 2 đứa mình mù đường nhưng vẫn đến đích và check in thành công. Ngoài ra bạn có thể sử dụng các phương tiện khác như:
- Xe bus: Du khách ở Hà Nội có thể lựa chọn tuyến bus Hà Nội – Phủ Lý, xuất phát từ bến xe Giáp Bát với tần suất 15 phút/chuyến, giá vé 30.000 VNĐ/người/lượt.
- Xe khách: Đây là phương tiện di chuyển thuận tiện đến chùa Tam Chúc, đa phần xe khách chạy cao tốc Pháp Vân – cầu Giẽ rất nhanh, chỉ mất 1 tiếng là bạn có thể đến nơi, giá vé 60.000 VNĐ/người/lượt.
Lịch sử chùa
Chùa Tam Chúc cổ được xây dựng từ thời nhà Đinh vào khoảng 1000 năm trước. Khu chùa mới được xây trên nền móng ngôi chùa cũ, là sự kết hợp tuyệt vời của những công trình kiến trúc ấn tượng giữa bao la cảnh sắc thiên nhiên ngoạn mục.
Tương truyền rằng Chùa Tam Chúc gắn liền với truyền thuyết về “Tiền Lục nhạc – hậu Thất Tinh”. Theo đó, trên dãy núi nằm ở hướng Tây Nam hướng về chùa Hương có 99 ngọn núi. Trong đó có 7 ngọn núi gần với làng Tam Chúc nhất, được dân làng gọi là núi “Thất Tinh” và ngôi chùa ở đây được gọi là chùa “Thất Tinh”.
Trên 7 ngọn núi này đều xuất hiện một đốm sáng lớn tựa như 7 ngôi sao tỏa sáng như ánh hào quang. Người người thấy ánh hào quang đó kéo đến núi Thất Tinh đục đẽo, chất củi thành đống lớn và đốt nhiều ngày hòng lấy đi 7 ngôi sao. Trong 7 ngôi sao có 4 ngôi sao bị đốt nhiều nên đã mờ dần, chỉ còn lại 3 ngôi sao còn sót lại. Vì thế ngôi chùa “Thất Tinh” sau này được đổi tên thành chùa “Ba Sao” ( Chùa Tam Chúc ngày nay).
Những địa điểm không thể bỏ qua
1. Nhà khách Thủy Đình
Du lịch chùa Tam Chúc Hà Nam, bạn sẽ đặt chân đến nhà khách Thủy Đình đầu tiên, để check-in, mua vé lên thuyền đi khám phá chùa Tam Chúc. Trong thời gian ở nhà khách Thủy Đình, du khách có thể tham quan nội thất, tranh ảnh về chùa. Khách du lịch chùa Tam Chúc Hà Nam có thể xem bối cảnh toàn khu du lịch tâm linh Tam Chúc tại nhà khách Thủy Đình.
2. Cổng tam Quan
Để đến du lịch chùa Tam Chúc Hà Nam, du khách sẽ cần đi qua cổng tam quan. Có 2 cổng tam quan ngoại và tam quan nội, được xây dựng vô cùng đồ sộ, kiên cố và có hoa văn đặc sắc. Đúng như tên gọi, công trình này mang kiến trúc tam quan ( 3 cửa) nhằm đón tiếp các phật tử, khách du lịch ngay khi vừa đến với quần thể danh thắng tâm linh Tam Chúc. Cổng Tam Quan khá đồ sộ, kiên cố với nhưng hoa văn mang đặc trưng của chùa Tam Chúc.
3. Vườn cột kinh
Bước qua Cổng Tam Quan, Du khách bắt gặp trước mắt mình là khoảng không rộng lớn với những cây cột lớn vươn lên trời.
Vườn cột kinh gồm 32 cột đá xanh hình lục giác, mỗi cột nặng khoảng 200 tấn, chân cột là đài sen, đỉnh cột là nụ sen và được khắc những lời Phật dạy.
Đọc những lời dăn của Phật, du khách sẽ cảm thấy lòng nhẹ nhàng hơn, sống yêu thương và sống có nghĩa hơn.
Được lấy ý tưởng từ bảo vật quốc gia cột kinh chùa Nhất Trụ, Hoa Lư, Nình Bình và được phục dựng lại với quy mô lớn không hề kém.
4. Điện Pháp Chủ
Trước Điện Tam Thế là Điện Pháp Chủ nằm trên trục thần đạo, có 02 tầng mái cong được xây dựng theo lối kiến trúc đình chùa đặc trưng Việt Nam. Điện Pháp Chủ xây dựng với kết cấu cột, dầm, xà, mái cong bằng bê tông cốt thép sơn giả gỗ.
Điện Pháp Chủ có chiều cao 31m, diện tích sàn 3.000m2. Tại đây thờ 01 pho tượng Thích Ca Mâu Ni bằng đồng nguyên khối, pho tượng nặng 150 tấn do nghệ nhân Việt Nam chế tác; và có 10.000 bức tranh tái hiện cuộc đời Đức Phật do thợ hồi giáo Indonesia tạc bằng đá núi lửa Indonesia.
5. Điện Tam Thế
Điện Tam Thế nằm ở độ cao 45m so với mực nước biển trên trục thần đạo; Điện Tam Thế có 03 tầng mái cong được xây dựng theo lối kiến trúc đình chùa đặc trưng Việt Nam. Điện Tam Thế xây dựng với kết cấu cột, dầm, xà, mái cong bằng bê tông cốt thép sơn giả gỗ.
Bước qua hàng cửa gỗ trạm lộng tinh xảo của tòa Điện Tam Thế, hòa mình vào một không gian vô cùng rộng lớn, Bạn sẽ bất ngờ khi được chiêm ngưỡng ba pho tượng phật lớn được làm bằng đồng đen ngay giữa chính điện Tam Thế, hiển thị cho quá khứ, hiện tại và tương lai, và 12.000 bức phù điêu làm từ đá núi lửa ở Indonesia.
6. Điện Quan Âm
Điện Quan Âm với chiều cao 30.5m, diện tích sàn 3.000m2, diện tích tầng hầm: 1.800m2. Điện Quan Âm thờ 01 pho tượng Quan Âm Bồ Tát bằng đồng nguyên khối, pho tượng nặng 100 tấn do nghệ nhân Việt Nam chế tác; và có 8.500 bức tranh về các câu chuyện về Đức Phật do thợ hồi giáo Indonesia tạc bằng đá núi lửa Indonesia.
Trung tâm của các bức tranh là tượng khắc nổi của Phật Quan Âm với hình ảnh quen thuộc trong các ngôi chùa Cổ như Chùa Phật Tích, Chùa Hương: Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, Quan Âm Tọa Sơn, Quan Âm Quá Hải và Quan Âm Tống Tử. Đây là 4 bức tranh đặc biệt trên nền phong cảnh thiên nhiên đẹp như thơ của Tràng An và Tam Chúc.
7. Đình Tam Chúc
Ngôi đình tọa lạc ở giữa hồ nước rộng. Tương truyền, đây là nơi thờ hoàng hậu nhà Đinh – Dương Thị Nguyệt. Trước kia, trong cuộc chiến dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Linh đã đến đây để chiêu mộ binh mã. Khi thắng trận và lên ngôi hoàng đế, nhà vua đã ra lệnh cho xây dựng công trình này. Ấn tượng là ở mặt hồ có 6 quả núi nhỏ nhô lên, phía dưới có nhiều loài động thực vật thiên nhiên sinh sống. Đến mùa hè, hoa sen nở tạo khung cảnh mặt hồ ở khu vực đình Tam Chúc đẹp mê mẩn.
8. Đàn tế trời chùa Ngọc
Để đến được đàn tế trời chùa Ngọc, bạn cần đi qua khu vực Tam Điện chính, leo bộ một đoạn khá xa. Chùa Ngọc tọa lạc trên đỉnh núi Thất tinh nằm ở cao độ 200m so với mực nước biển với chiều cao 13m, nặng tới 2.000 tấn, có 3 tầng mái cong, diện tích 36m2, được xây dựng hoàn toàn bằng đá Granit đỏ do các nghệ nhân Hindu giáo đến từ Ấn Độ chế tác và vận chuyển sang lắp đặt theo phong cách kiến trúc cổ Việt Nam mà không cần bê tông kết dính – đúc kết kinh nghiệm hàng nghìn đời của người Ấn Độ.
Lưu ý khi đến Chùa Tam Chúc
CHUẨN BỊ
Chùa khá rộng, xe điện/ tàu sẽ chỉ chở đến 1 điểm nhất định còn lại bạn sẽ phải tự đi bộ nên khuyên các bạn nên mặc quần áo nhẹ nhàng, giày thể thao + nước uống + kem chống nắng và các vật dụng che chắn vì có thể đi bộ dài sẽ khiến bạn mệt, đau chân và bị đen da (mình giảm 1 tone sau khi về), tuy nhiên dành cho các bạn lười cbi như mình thì trong chùa cũng có các điểm bán nước tự động nên ko lo nhé, các điểm WC trong Chùa khá sạch sẽ ạ.
ĂN UỐNG:
Trong Chùa Tam Chúc cũng có các khu ẩm thực đồ ăn chay dành cho các bạn đi theo đoàn hoặc cá nhân. Cảm quan của mình thấy thì không gian khá ấm cúng, sạch sẽ, nhiều lựa chọn đồ ăn (có cả món tráng miệng), đồ ăn ngon và giá cả hợp lý. Mình gọi suất 59k (gồm nước uống trà chanh/ rau má) thấy khá đầy đặn và chắc phải 2 ng ăn mới hết.
QUÀ TẶNG:
Khu vực phía ngoài Chùa Tam Chúc có các quầy bày bán và chỗ ngồi nghỉ ngơi. Khi về các bạn có thể mua cơm cháy, mè xửng,… và có cho ăn thử nha. Các chị ở đây dễ tính, thoải mái lắm không mồi kéo gì đâu, có bàn ghế đề ngồi nghỉ ko tính phí gì cả. Mình chọn mua bánh củ sen ăn mềm,ngon, thơm nhẹ nhàng giá 30 cành các b có thể tham khảo thử.
Với cảnh quan thiên nhiên vô cùng đặc biệt mặt hướng hồ lưng tựa núi, đã tạo nên vẻ trang nghiêm và sự bề thế cho chùa. Cùng kiến trúc lộng lẫy và ẩn chứa nhiều ý nghĩa, đây là điểm du lịch tâm linh quan trọng không thể bỏ qua của khu vực miền Bắc.
– Mời mọi người khám phá ngôi chùa đặc biệt này