Skip to content
Chùa Sắc tứ Linh Phong ở đâu ?
Chùa Sắc tứ Linh Phong – dân địa phương thường gọi là Chùa Ông Núi, có tên chữ đầy đủ là “Dũng Tuyền Linh Phong Thiền Viện”, tọa lạc trên đồi núi Phương Phi, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, trên độ cao gần 100m so với mặt nước biển. Địa danh lúc Tổ khai sơn là ấp Phương Phi, quận Phù Ly, phủ Qui Ninh, trạm An Hành, thuộc dinh Quảng Nam (năm 1686), nay thuộc thôn Phương Phi, xã Cát Tiến, Phù Cát.
(Trên đường từ thành phố Quy Nhơn ra Khu kinh tế Nhơn Hội, khi đi ngang qua dãy núi Bà ở huyện Phù Cát, du khách sẽ thấy ở lưng núi thấp thoáng mái chùa đỏ thắm giữa màu xanh biếc của cây rừng. Đó là chùa Ông Núi, còn gọi là Linh Phong thiền tự – một trong những ngôi chùa lâu năm nhất của Bình Định.
Lịch sử hình thành Chùa Sắc tứ Linh Phong
Theo khảo tự phổ của Chùa Sắc tứ Linh Phong cùng bài vị các đời trụ trì thờ tại chùa ghi tên ông là Lê Ban, tức thiền sư Tịnh Giác Thiện Trì. Ông ở núi này được vài năm rồi chọn lưng chừng núi, chỗ có con suối sâu và dài cất một am, đặt tên là Dũng Tuyền Tự. Tương truyền, ban ngày Ông Núi ở trong rừng đốn củi, bó thành bó lớn chỉ có sức ông mới gánh nổi mang xuống chân núi, để ở ngã ba rồi trở lên. Người dân quanh vùng đem gạo, muối đến để đó rồi gánh củi về dùng. Hôm sau ông hoặc đồng tử xuống núi lấy thực phẩm, nhiều ít không cần biết. Mỗi khi trong vùng có dịch bệnh thì tự nhiên nhà sư đem thuốc xuống cứu chữa. Chữa xong rồi đi ngay, không nhận bất cứ một sự trả công nào. Vào năm Quý Sửu (1733), chúa Nguyễn Phúc Chú khen ông là bậc chân tu, xây lại chùa. Từ chùa tranh thành chùa ngói bắt đầu từ đây. Chúa ban tên chùa là “Linh Phong Thiền Tự”, một câu liễn, và ban cho Sơn Ông hiệu: “Tịnh giác, thiện trì Ðại lão thiền sư”.
Vào năm Tân Dậu (1741), chúa Nguyễn triệu Sơn Ông về kinh để hỏi giáo lý đạo Phật. Khi giã từ, chúa ban cho Sơn Ông một bộ áo cà sa vòng ngọc, móc vàng. Trong các cuộc giao tranh giữa quân Nguyễn và quân Tây Sơn, chùa bị đổ nát, Sơn Ông viên tịch. Tăng chúng các chùa họp lại lo việc mai táng ông, bửu tháp xây bên hữu chùa vào năm 1785. Năm 1888, Ðào Tấn – một nhà văn hóa lớn của nước ta, đã đến cư trú tại chùa Chùa Sắc tứ Linh Phong một thời gian. Ông có bài phú bằng chữ Hán đề nơi vách núi (dịch):
“Một cảnh khói hoa trời tự tại
Mười năm hồ hải giấc quy lai
Ðây học trò lành âu cũng Phật
Chùa tên Ông Núi ngỡ chốn Tiên”
Khám phá Chùa Sắc tứ Linh Phong
Gửi xe nơi chân núi, theo dòng người men theo con đường đất mà hai bên là những bụi duối khá lớn, đi thêm một đoạn, ta sẽ gặp những bậc đá dẫn lên đến lưng chừng núi. Lối đi quanh co theo sườn núi được tạo bởi hàng ngàn bậc đá này có từ hơn ba thế kỷ trước. Đường lên Chùa Sắc tứ Linh Phong vẫn còn nguyên vẻ tự nhiên, cỏ cây, hoa dại mọc chen giữa đá, đâu đó thoang thoảng mùi hoa dủ dẻ thật dễ chịu. Đi hết khoảng hơn một trăm bậc đá, du khách sẽ thấy ngôi chùa nằm ở độ cao khoảng 400m so với mực nước biển hiện ra. Trải qua nhiều thập kỷ hoang phế, ngôi chùa xưa giờ chỉ còn lại cổng tam quan ở mặt đông và một bửu tháp. Nay, ngôi chùa mới dựng trên vị trí của chùa Linh Phong ngày xưa phần nào làm thỏa lòng mong đợi của du khách mộ đạo. Đặc biệt, ở đây vẫn còn một dòng suối từ núi cao đổ xuống, chảy vào khuôn viên chùa tạo một cảnh quan gần gũi với thiên nhiên hoang dã. Chính dòng suối này cùng với hang Tổ đã làm cho khách hành hương gợi nhớ nhiều về kiến trúc của ngôi chùa trước đây. Khuôn viên chùa luôn mát rượi nhờ những tán cây cổ thụ như phượng, mít, bàng lại thêm rất nhiều liễu và hoa được trồng chung quanh hồ nước trước chính điện. Phía sau chùa còn có nhiều tháp cổ xen giữa đá núi và những tán cây rừng cổ thụ. Đây là nơi an nghỉ của các vị sư. Sâu vào trong núi, nhiều hòn đá chồng lên nhau tạo thành những hình thù kỳ dị. Một số hang thờ Phật nên ấm áp mùi nhang khói. Có những hang rất rộng, chứa được cả đoàn quân thời chiến. Nhiều hang đá giờ đây bị những bụi cây gai um tùm lấp mất cửa không ai dám vào.
Từ xưa, người đến vãn cảnh chùa Chùa Sắc tứ Linh Phong không phải là ít. Họ đến với nhiều mục đích khác nhau nhưng có lẽ chung một điểm là tận hưởng không khí trong lành và để cảm thấy lòng thanh thản. Đứng trước sân chùa, phóng tầm mắt ra xa phía Tây và Nam là những mái nhà chen giữa đồng lúa xanh. Du khách lại tự nhủ rằng mình đang đứng ngay trên đỉnh cao nhất của ngọn núi Bà hùng vĩ. Ẩn trong dáng núi, là bao dấu ấn lịch sử. Này là hòn Vọng Phu ở Vĩnh Hội (xã Cát Hải, Phù Cát) gắn với truyền thuyết về người phụ nữ ôm con đứng ngóng chồng, lâu ngày hóa đá; kia là đỉnh Hòn Chuông với tháp Chăm cổ rêu phong.
Ngày hội chùa Linh Phong đúng vào dịp đầu năm âm lịch nên khách du ngoạn rất đông, cả đoạn đường ven biển của xã Cát Tiến chật như nêm. Hai ngày hội, cả đoạn đường ven biển ngang qua Cát Tiến như chật hẳn với xe ô tô, xe máy từ các nơi đổ về, cả những tấm biển xe từ tận Gia Lai, Phú Yên, Quảng Ngãi….)
Lưu ý khi đi chùa:
- Chùa là nơi linh thiêng nên khi đến đây bạn không nên ăn mặc những trang phục quá màu mè và gây phản cảm làm mất đi tính trang nghiêm vốn có của chùa.
- Đến chùa, bạn nên thành tâm cầu bình an và tận hưởng vẻ đẹp an lạc, linh thiêng thay vì mải mê chụp ảnh.
- Không tùy ý đụng, chạm hay lấy bất cứ đồ vật nào trong chùa khi không được sự cho phép của nhà chùa.
- Không dẫm đạp lên cây cối, hoa cỏ hay bàn ghế trong chùa. Vứt rác đúng nơi quy định để tránh làm ô nhiễm môi trường.
- Nên xin phép trước với ban quản lý nhà chùa để được sự đồng ý nếu muốn quay phim, chụp hình.
Theo dõi chúng tôi trên Facebook. Tiktok
Xem thêm các địa điểm khác tại Quy Nhơn